Thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

13/09/2019
Sáng 13/9/2019, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc phòng - An ninh tổ chức phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Võ Trọng Việt chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất nhập cảnh; đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy vậy, bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật để phù hợp với một số quy định của pháp luật khác có liên quan và thực tiễn công tác quản lý. Việc sửa đổi Luật xuất phát từ yêu cầu kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh và bảo đảm sự đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan. Ngoài ra, xuất phát từ yêu cầu tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh quốc gia.

Thứ trưởng Lương Tam Quang đọc tờ trình tại phiên họp.

 

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, khách du lịch tàu biển vào Việt Nam ngày càng tăng, số lượng lớn. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực quốc phòng, hải quân Việt Nam tăng cường hợp tác với hải quân các nước, nhiều tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để thực hiện các hoạt động giao lưu, tọa đàm... Do đó, cần bổ sung quy định về việc cấp thị thực theo danh sách cho các trường hợp này. Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trong đó có chính sách kiểm soát xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam bằng cổng kiểm soát tự động. Để tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác kiểm soát xuất nhập cảnh, cần nghiên cứu bổ sung quy định việc nhập cảnh, xuất cảnh của người nước ngoài qua cổng kiểm soát tự động.

Tại các diễn đàn Doanh nghiệp, diễn đàn Du lịch, hội nghị đối thoại doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày đã gây khó khăn cho khách du lịch nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực, sau đó xuất cảnh sang nước thứ ba rồi quay lại Việt Nam tiếp tục du lịch hoặc về nước. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc trên… Do vậy, việc sửa đổi Luật là cần thiết.     

Thảo luận tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bổ sung các quy định để giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo các đại biểu, việc sửa đổi, bổ sung sẽ giúp thể chế hóa chủ trương đối ngoại của Đảng, đảm bảo phù hợp với các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập trong thời gian qua, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, phục vụ phát triển kinh tế của đất nước.

Toàn cảnh phiên họp.

 

Về hồ sơ của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhận thấy, hồ sơ dự án Luật bảo đảm các loại tài liệu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại phiên họp thứ 37 và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Tuy nhiên về phạm vi điều chỉnh, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, nội dung về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến các chủ trương đối ngoại của Đảng, các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập nên cần phải thể chế hóa, nội luật hóa; đồng thời phải giải quyết, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và phải đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Do đó, đề nghị nghiên cứu, rà soát toàn bộ nội dung trong Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật 47).

Liên quan đến nội dung về giá trị sử dụng của thị thực, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhất trí với việc bổ sung trường hợp chính đáng được chuyển đổi mục đích thị thực theo điều kiện chặt chẽ như đã thể hiện trong dự thảo Luật. Đây là quy định phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện cho người nước ngoài tìm hiểu thị trường, tìm kiếm việc làm, cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Từ đó sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, đối ngoại, đồng thời vẫn bảo đảm công tác quản lý nhà nước trong việc quản lý cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Theo các đại biểu, quy định này sẽ bảo đảm cho một số trường hợp đủ điều kiện có thể ở lại Việt Nam làm thủ tục chuyển đổi mục đích của thị thực mà không phải mất thời gian, chi phí để làm thủ tục xuất cảnh rồi nhập cảnh. Hơn nữa, với quy định chặt chẽ như dự thảo Luật sẽ hạn chế tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích tham quan, du lịch sau đó xin chuyển đổi để thực hiện các mục đích khác, từ đó đảm bảo yêu cầu công tác quản lý nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội…

Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt ghi nhận những ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu tại phiên họp; trên cơ sở những ý kiến tại phiên họp, Ủy ban Quốc phòng - An ninh và Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật chuẩn bị trình Quốc hội tại các phiên họp tới./.

 

 

Thu Phương- Nghĩa Đức
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website