Công bố Luật An ninh mạng và một số Luật khác

28/06/2018
Sáng 28/6/2018, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các Luật: Quốc phòng; Cạnh tranh; Tố cáo; Đo đạc và bản đồ; An ninh mạng; Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Đây là các Luật đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua. Đồng chí Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì cuộc họp báo. Tham dự còn có đại diện các bộ, ngành tham gia soạn thảo các Luật được công bố và phóng viên các báo, đài.

Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Công an tóm tắt Luật An ninh mạng. 

Cụ thể, Luật An ninh mạng gồm 7 Chương, 43 Điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
 

Trung tướng Hoàng Phước Thuận giới thiệu Luật An ninh mạng 2018.


Luật An ninh mạng được chuẩn bị công phu, với sự tham gia đóng góp ý kiến của các bộ, ngành chức năng, hơn 30 doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn trong nước như: VNPT, FPT, BKAV; nhiều chuyên gia, tập đoàn kinh tế, viễn thông trong và ngoài nước, trong đó có Facebook, Google, Apple, Amazon, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Hiệp hội điện toán đám mây châu Á; các cơ quan đại diện nước ngoài như: Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản… và ý kiến rộng rãi của quần chúng nhân dân.

Đáng chú ý, để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Chương III Luật này quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm: Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng; phòng ngừa, xử lý hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự; phòng, chống tấn công mạng; phòng, chống khủng bố mạng; phòng, chống chiến tranh mạng; phòng ngừa, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng; đấu tranh bảo vệ an ninh mạng. Đây là hành lang pháp lý vững chắc để người dân có thể yên tâm buôn bán, kinh doanh hay hoạt động trên không gian mạng.

Chương IV Luật An ninh mạng quy định, doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ…

Trả lời câu hỏi của phóng viên về Nghị định hướng dẫn sau thi hành Luật, Trung tướng Hoàng Phước Thuận cho biết, hiện nay Bộ Công an đang phối hợp với Bộ Tư pháp soạn thảo và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 10 tới.

 

 

Cao Hồng
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website