Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của lực lượng Bảo vệ dân phố, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

05/12/2016
Nhân dịp tổng kết 10 năm công tác Công an thực hiện Nghị định 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dân phố, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an có bài viết quan trọng. Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Thứ trưởng.

Ngay sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, để đẩy mạnh công tác trị an thành phố, năm 1955, Bộ Công an đã chỉ đạo thành lập lực lượng Hộ tịch viên (nay là Cảnh sát khu vực) và Ban bảo vệ trị an (nay là Bảo vệ dân phố) ở địa bàn thành phố, thị xã miền Bắc.

Thực hiện Nghị định số 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Công an đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC, ngày 1/3/2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ; ban hành nhiều văn bản quy định về trang phục, về trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong hướng dẫn, quản lý, xây dựng lực lượng Bảo vệ dân phố; nhiều kế hoạch chỉ đạo sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Thứ trưởng Bùi Văn Nam thăm hỏi, động viên lực lượng Bảo vệ dân phố phường Lý Thái Tổ.


Qua 10 năm thực hiện Nghị định 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ, được sự quan tâm của lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền; sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của Công an các cấp; sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị liên quan và đông đảo nhân dân, lực lượng Bảo vệ dân phố trong toàn quốc đã trưởng thành về mọi mặt, từng bước khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp và đông đảo nhân dân về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Bảo vệ dân phố được nâng lên.

Lực lượng Bảo vệ dân phố được kiện toàn về tổ chức theo đúng quy định của Chính phủ. Đến nay, toàn quốc có 1.882 Ban Bảo vệ dân phố; 15.656 Tổ Bảo vệ dân phố, gồm 71.133 thành viên. Công tác bồi dưỡng, tập huấn pháp luật, nghiệp vụ được thực hiện thống nhất về chương trình, nội dung, phù hợp với thực tiễn.

100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho 153.966 lượt Bảo vệ dân phố. Một số địa phương như: Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, Đà Nẵng… đã tổ chức Hội thi Bảo vệ dân phố giỏi với hình thức sân khấu hóa, đem lại hiệu quả thiết thực.

Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ quy định của pháp luật, quy định cụ thể mức phụ cấp hằng tháng, các chế độ phụ cấp khác đối với các chức danh Bảo vệ dân phố; bố trí địa điểm làm việc, đảm bảo kinh phí hoạt động, trang bị phương tiện, đồng phục, mua sắm trang bị cho Bảo vệ dân phố vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ phương tiện cần thiết khác…

Đến nay, 22,95% Ban Bảo vệ dân phố được bố trí trụ sở làm việc riêng; 47,23% Ban Bảo vệ dân phố có nơi làm việc.  Một số địa phương vận dụng, có chính sách hỗ trợ thêm cho Bảo vệ dân phố kinh phí khi tuần tra đêm, làm ngoài giờ, hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn.

Lực lượng Bảo vệ dân phố đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt công tác nắm, phản ánh cho Công an, Ủy ban nhân dân phường tình hình an ninh, trật tự ở địa bàn; tham gia hòa giải, giải quyết kịp thời nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy tắc, quy ước, nội quy về bảo vệ an ninh, trật tự; tích cực đôn đốc, nhắc nhở nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội; tham gia giữ gìn trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông, an toàn phòng cháy, chữa cháy; cảm hóa giáo dục, giúp đỡ và quản lý những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư; tích cực tham gia phối hợp giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự xảy ra trong địa bàn; tổ chức tuần tra, kiểm soát và tham gia các hoạt động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các vi phạm khác về trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn đô thị.

Trong 10 năm qua, lực lượng Bảo vệ dân phố toàn quốc đã cung cấp cho lực lượng Công an 462.578 tin có giá trị, giúp lực lượng Công an điều tra, khám phá nhiều vụ án nghiêm trọng, triệt phá nhiều băng, ổ nhóm tội phạm nguy hiểm; hòa giải 122.409/146.935 (83,3%) vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân.

Phối hợp tham gia cùng với lực lượng Công an tổ chức kiểm tra tạm trú, tạm vắng 896.047 lượt; giải tỏa ùn tắc, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông 333.810 điểm, tuyến đường, đôn đốc, nhắc nhở hàng triệu lượt hộ gia đình không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, đốt pháo nổ trái phép; quản lý, cảm hóa, giáo dục 84.412 đối tượng chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc, đối tượng cải tạo không giam giữ, đối tượng chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương; vận động đầu thú và bắt 3.366 đối tượng có quyết định truy nã; bảo vệ hiện trường 87.812 vụ, sơ cứu 30.860 người bị nạn; tham gia bắt giữ 15.027 vụ phạm tội quả tang; tổ chức hàng vạn buổi tuần tra kiểm soát địa bàn, phát hiện hàng nghìn vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, kịp thời xử lý ngăn chặn, báo cáo Công an phường xử lý…

Từ khi triển khai thực hiện Nghị định 38/2006/NĐ-CP về Bảo vệ dân phố đến nay, có 14 đồng chí Bảo vệ dân phố hy sinh, 146 đồng chí bị thương trong khi làm nhiệm vụ, trong đó có 7 đồng chí được công nhận liệt sĩ, 15 đồng chí được công nhận thương binh (một số đang trong giai đoạn làm hồ sơ đề công nhận là liệt sỹ, thương binh); có 3 tập thể, 3 cá nhân được Chính phủ tặng Bằng khen; 100 tập thể, 258 cá nhân được Bộ Công an tặng Bằng khen; 1.177 tập thể, 2.661 cá nhân được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tặng Bằng khen; hàng vạn cá nhân được Bộ Công an tặng Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tổ chức thực hiện Nghị định số 38/2006/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện còn một số tồn tại, hạn chế. Nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền ở một số nơi về vị trí, vai trò của lực lượng Bảo vệ dân phố chưa đầy đủ; việc thực hiện chế độ, chính sách, công cụ hỗ trợ, phương tiện phục vụ công tác chưa được quan tâm đúng mức; công tác tuyển dụng và lực lượng Bảo vệ dân phố còn gặp khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức và hiệu quả hoạt động của Bảo vệ dân phố.

Việc đầu tư kinh phí, trang bị phương tiện, thực hiện chế độ, chính sách đối với Bảo vệ dân phố còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao; chế độ phụ cấp cho Bảo vệ dân phố quá thấp so với mặt bằng chung, chưa phù hợp với nhiệm vụ và tính chất công việc được giao. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động của Bảo vệ dân phố có nơi, có lúc chưa sâu sát, kịp thời; chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ an ninh, trật tự của Bảo vệ dân phố ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, còn một số trường hợp Bảo vệ dân phố có sai phạm trong khi thi hành nhiệm vụ phải xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố trước pháp luật.

Lực lượng Bảo vệ dân phố cùng Công an cơ sở triển khai kế hoạch tuần tra.


Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của lực lượng Bảo vệ dân phố đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, Công an các đơn vị, địa phương cần tập trung thực hiện tốt công tác trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Bộ Công an và của cấp ủy, chính quyền các cấp về xây dựng lực lượng Bảo vệ dân phố. Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền hàng năm xây dựng chương trình, kế hoạch chỉ đạo hoạt động của lực lượng Bảo vệ dân phố; chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lực lượng Bảo vệ dân phố. Nghiên cứu, tham mưu phục vụ các cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho việc củng cố, kiện toàn, xây dựng lực lượng Bảo vệ dân phố trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Hai là, chủ động tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường chỉ đạo, quản lý, xây dựng lực lượng Bảo vệ dân phố vững mạnh về tổ chức. Thường xuyên tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của Bảo vệ dân phố; kịp thời củng cố, kiện toàn tổ chức lực lượng Bảo vệ dân phố đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Chú trọng rà soát, xử lý kịp thời vi phạm; lựa chọn, giới thiệu những người có năng lực, phẩm chất đạo đức, sức khỏe để nhân dân tín nhiệm bầu vào lực lượng Bảo vệ dân phố.

Ba là, đổi mới chương trình, nội dung, định kỳ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn pháp luật, nghiệp vụ, cung cấp thông tin về công tác bảo vệ an ninh, trật tự đối với lực lượng Bảo vệ dân phố. Đa dạng hóa hình thức tổ chức bồi dưỡng, tập huấn pháp luật, nghiệp vụ cho lực lượng Bảo vệ dân phố đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Xây dựng, ban hành bộ tài liệu bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ về công tác bảo vệ an ninh, trật tự đối với lực lượng Bảo vệ dân phố phù hợp với tình hình, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay để thực hiện thống nhất trong toàn quốc.

Bốn là, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Bảo vệ dân phố. Chú trọng việc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, biện pháp, kế hoạch công tác; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; các quy định về lề lối làm việc, quy trình công tác của Bảo vệ dân phố, kịp thời phát hiện, uốn nắn, khắc phục những hạn chế, thiếu sót ngay từ khi mới phát sinh.

Năm là, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm của Bảo vệ dân phố trong thực hiện nhiệm vụ; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong lực lượng Bảo vệ dân phố. Hằng năm, tham mưu tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết thi đua, kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân Bảo vệ dân phố có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, xây dựng, hướng dẫn, quản lý lực lượng Bảo vệ dân phố.

Sáu là, chủ động tham mưu với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp quan tâm hơn đến phụ cấp, các chế độ, chính sách, trang bị công cụ, phương tiện cần thiết đối với Bảo vệ dân phố, nhất là những trường hợp bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ; có chế độ khuyến khích về vật chất và tinh thần đối với lực lượng Bảo vệ dân phố.

Bảy là, quan tâm xây dựng, củng cố lực lượng Công an cơ sở trong sạch, vững mạnh, có đủ phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác để tham mưu, tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc lực lượng Bảo vệ dân phố thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Sau hai lần (1963, 1995), Bộ Công an ban hành văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, ngày 17/4/2006 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2006/NĐ-CP về Bảo vệ dân phố, đây là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất từ trước đến nay quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và chế độ, chính sách đối với Bảo vệ dân phố./.

B. V. N
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website