Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018”

16/08/2019
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, sáng 16/8/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018”. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc.

Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014 - 2018”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, giai đoạn 2014 - 2018, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh; số lượng các cơ sở, công trình, khu công nghiệp, khu dân cư, chung cư, nhà cao tầng, nhà siêu cao tầng, chợ, trung tâm thương mại và các cơ sở khác ngày càng gia tăng cả về số lượng và quy mô; trong khi đó, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ; tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị; biến đổi khí hậu toàn cầu làm nhiệt độ trái đất tăng lên, phong tục tập quán sinh hoạt, sản xuất ở nhiều nơi còn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, đã tác động không nhỏ đến tình hình cháy, nổ và công tác PCCC trên cả nước. Từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 héc-ta rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 héc-ta rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 09 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 01 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 héc-ta rừng.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt báo cáo tại phiên họp.

 

Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng, ban hành chính sách pháp luật về PCCC, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc triển khai, quán triệt chủ trương của Đảng về PCCC; ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật về PCCC. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành 09 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 05 Quyết định; các bộ ban hành 24 Thông tư; Hội đồng nhân dân 04 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết xử lý cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC theo quy định của Điều 63a Luật PCCC. Về cơ bản, việc phổ biến, quán triệt về chính sách, pháp luật PCCC tại các bộ, ngành, địa phương đã được tổ chức thực hiện tích cực.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và kiến thức về PCCC, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo; các địa phương, cơ sở tích cực thực hiện với nhiều hình thức, phương pháp, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân về công tác PCCC. Tuy nhiên hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao, các hình thức, biện pháp tuyên truyền còn ít đổi mới; kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền còn eo hẹp… nên ý thức của người dân về PCCC ở nhiều nơi, nhất là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người còn thấp.

Công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC và việc ban hành, thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn PCCC, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC cơ bản được ban hành kịp thời, làm cơ sở cho các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý trong việc đưa ra các giải pháp thiết kế về PCCC. 

Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện nay, Việt Nam có tổng cộng 188 tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia về PCCC; trong đó có 68 tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia chuyên ngành về PCCC, 120 tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến PCCC. Tuy nhiên, nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn có những quy định không còn phù hợp tình hình hiện nay nhưng chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung; có những loại hình cơ sở có tính chất đặc thù nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC, phải vận dụng tiêu chuẩn nước ngoài nên gặp phải những khó khăn do thiếu đồng bộ giữa hệ thống cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật của Việt Nam và các quốc gia này.

Toàn cảnh phiên họp.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tổ chức thực thi của các cơ quan, đơn vị, địa phương và người đứng đầu cơ sở vẫn còn tồn tạn một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, lãnh đạo nhiều đơn vị, địa phương, người đứng đầu cơ sở chưa thật sự quan tâm, thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của mình về công tác PCCC, chưa gắn công tác này với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh; chưa thực hiện tốt chế độ tự kiểm tra; chưa quan tâm đầu tư, trang bị và các điều kiện đảm bảo cho an toàn PCCC; công tác xử lý vi phạm thiếu kiên quyết. Việc tổ chức thi hành các quy định của Luật PCCC tại địa phương, cơ quan, đơn vị chưa nghiêm, chưa triệt để...

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC thiếu sự phối hợp giữa các lực lượng, chưa quyết liệt, triệt để nên tác dụng răn đe, phòng ngừa vi phạm pháp luật về PCCC còn hạn chế. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp chưa thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm trong công tác xử lý vi phạm quy định an toàn PCCC.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh thống nhất cao với các kết quả giám sát về PCCC được nêu, tuy nhiên cần khắc phục tình trạng chậm ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật; nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, đảm bảo đi vào thực chất; đầu tư, trang thiết bị PCCC.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, đây là cuộc giám sát đem lại hiệu quả cao, toàn diện; Báo cáo kết quả giám sát được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Cho ý kiến về một số nội dung của Báo cáo, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội chỉ rõ, hiệu quả PCCC của lực lượng tại chỗ còn chưa cao, số vụ cháy do lực lượng tại chỗ dập tắt chỉ chiếm tới 26%. Do đó, đề nghị cần đánh giá thêm nguyên nhân vì sao, có giải pháp khắc phục để nâng cao vai trò của lực lượng chữa cháy tại chỗ. Cùng với đó, việc tạo các họng nước, bể nước và đường băng cản lửa cũng là vấn đề cần quan tâm nghiên cứu, rà soát kỹ lượng để có giải pháp cải tạo, đảm bảo sử dụng hiệu quả các phương tiện PCCC.

Thứ trưởng Lê Quý Vương phát biểu tại phiên họp.

 

Đánh giá nội dung Báo cáo kết quả giám sát được chuẩn bị một cách nghiêm túc, chu đáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị, cần nhận thức vấn đề PCCC là vấn đề hết sức quan trọng trong thực tế đô thị hóa ngày càng cao, nhà cao tầng, chung cư, đô thị ngày càng nhiều. Do đó, trong kiến nghị giải pháp của Báo cáo cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp, các ngành, nhìn nhận PCCC với cách nhìn rộng hơn đó là sự an toàn về môi trường sống; hình thành văn hóa sống, kỹ năng sống an toàn.

Phát biểu tại phiên họp, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an bày tỏ sự nhất trí cao với Báo cáo kết quả giám sát về PCCC. Đồng chí Thứ trưởng cũng nêu rõ, trong số các nguyên nhân gây ra cháy nổ, phần lớn là do chập cháy điện; vì vậy, việc quản lý thiết bị điện, các công trình điện dân dụng cần được quản lý nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để mỗi người dân, mỗi tổ chức tự nhận thức được vấn đề PCCC; thực hiện tốt khâu xử lý tại chỗ; mở rộng xã hội hóa về PCCC...

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Đoàn giám sát và các bộ, ngành, đơn vị hữu quan đã nghiêm túc hoàn thành nhiệm vụ; dự thảo Báo cáo kết quả giám sát đã bám sát nội dung, nhiều nội dung kiến nghị đề xuất được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành. Đề nghị Đoàn giám sát phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp thu các ý kiến thảo luận để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết để trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi đưa ra Quốc hội vào Kỳ họp thứ 8.

Hồ Hương - Trọng Quỳnh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website