Cảm hóa bởi tình yêu thương

26/02/2024
Công tác ở môi trường luôn phải tiếp xúc với những người một thời từng “chọc trời, khuấy nước” ngoài xã hội, nhưng những cán bộ y tế Trại tạm giam Công an tỉnh Thái Bình luôn tâm niệm: Giúp cho một phạm nhân quay đầu hướng thiện là cứu rỗi thêm một phận người lầm lạc. Không ít trường hợp mắc bệnh, gia đình ít quan tâm, đôi khi phó mặc nhưng những lúc như vậy, cán bộ y tế tại Trại tạm giam trở thành những người thân bên cạnh để chăm sóc cho họ và bằng những việc làm ân thầm, lặng lẽ theo cách riêng của mình để dẫn lối về cho những cuộc đời lầm lỡ.
03 giờ sáng không gian tĩnh mịch tại Trại tạm giam, vào một ngày của tháng 2 năm 2024, Đại úy Phạm Trần Phong – Bác sỹ phụ trách Bệnh xá Trại tạm giam cùng các y, bác sỹ đang trong ca trực thì nhận được tin báo từ phân trại có can phạm nhân đau bụng dữ dội phải chuyển lên để khám, chữa kịp thời… 
 
Những lúc như vậy, sự động viên, quan tâm của các cán bộ quản giáo, cùng với sự ân cần, tận tình thăm khám của các y, bác sĩ tại Trại tạm giam đã là liều thuốc quý để các can phạm nhân yên tâm, vững tin hơn đối với cuộc sống lao động và cải tạo. 
 
Được các y, bác sỹ Bệnh xá Trại tạm giam tận tình chăm sóc, phạm nhân Nguyễn Đức Lin cho biết: “Tôi có tiền sử bị bệnh dạ dày, mỗi khi bệnh của tôi tái phát tôi luôn được cán bộ y tế của Trại tạm giam quan tâm chăm sóc tận tình…”.
 
Các y, bác sỹ Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh tận tình chăm sóc các can, phạm nhân.
Các y, bác sỹ Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh tận tình chăm sóc các can, phạm nhân.
 
 
Trại tạm giam Công an tỉnh Thái Bình là đơn vị quản lý, giam giữ và giáo dục can phạm nhân thuộc các thành phần như: trộm cắp, buôn bán ma tuý, cướp giật tài sản… Với quân số chỉ có 06 y, bác sỹ, trong khi phải đảm nhiệm chăm sóc, chữa trị cho hàng trăm can phạm nhân. Đây là thử thách lớn đối với mỗi y, bác sỹ vì không chỉ tiếp xúc với những người ốm đau, bệnh tật bình thường mà phải tiếp xúc với người bệnh là những đối tượng vi phạm pháp luật, trong số đó có những đối tượng mang trọng án, đặc biệt hơn cả là những phạm nhân nhiễm HIV/AIDS. Có những phạm nhân khi biết mình nhận mức án cao nhất thường hoang mang, tiêu cực và tự tìm đến cái chết để giải thoát. 
 
Bên cạnh công tác thăm khám, chẩn đoán điều trị, cấp phát thuốc cho các phạm nhân thì các y, bác sĩ Trại tạm giam còn nắm diễn biến tâm lý, tư tưởng của phạm nhân để kịp thời động viên, thuyết phục, hỗ trợ họ chấp hành tốt nội quy của Trại, nhất là những bệnh nhân là người lớn tuổi, những người có bệnh nan y hay giấu giếm bệnh tật và thường có thái độ bất hợp tác. Khi đó, các cán bộ y tế phải như những người thân tận tình khuyên nhủ để họ có thể yên tâm chữa trị.
 
Đối với những người làm công tác chăm sóc sức khỏe cho phạm nhân nói chung và tại Trại tạm giam Công an tỉnh Thái Bình nói riêng, ngoài việc âm thầm hi sinh, lặng lẽ cống hiến, họ còn có niềm vui nhỏ nhoi khác, ấy là khi phát hiện được bệnh và điều trị cho các bệnh nhân, bởi đối với họ, phạm nhân là những người có tội nhưng họ vẫn cần sự cảm thông, sẻ chia, đảm bảo sức khỏe để cải tạo, làm lại cuộc đời.
 
Mặc dù phải đối mặt với bao khó khăn, áp lực trong công việc, nhưng ngày nào cũng vậy các cán bộ Y tế vẫn luôn tận tụy bên những bệnh nhân, vững vàng trên trận tuyến thầm lặng của người thầy thuốc trong môi trường hết sức đặc thù. Đối với phạm nhân thì trong cuộc đời, khi cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Con đường phấn đấu vươn lên từ những người lầm lỗi trở thành người có ích cho gia đình và xã hội sẽ trở nên dễ dàng hơn với những ai có ý chí hướng thiện, nghị lực và niềm tin. Trên con đường đó, lòng bao dung, tình yêu thương của các cán bộ Y tế nói riêng và cán bộ chiến sỹ Trại tạm giam Công an tỉnh nói chung là liều thuốc tinh thần quý báu giúp đỡ những mảnh đời lầm lỗi có cơ hội trở về đoàn tụ với gia đình, người thân, hòa nhập với cộng đồng và xã hội.
Bình Vân
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website