Bộ Công an tham dự Hội nghị lần thứ nhất quan chức cao cấp Cơ quan Trung ương của các nước ASEAN về tương trợ tư pháp hình sự

04/11/2021
Trong hai ngày 02 và 03/11/2021, Hội nghị lần thứ nhất quan chức cao cấp Cơ quan Trung ương của các nước ASEAN về tương trợ tư pháp hình sự đã được diễn ra theo hình thức trực tuyến. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp làm Trưởng đoàn tham dự.
Trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị.


Bà Zuraini Haji Sharbawi, Hội đồng Cố vấn pháp luật Văn phòng Tổng Chưởng lý Bru-nây Đa-rút Xa-lam chủ trì Hội nghị; tham dự Hội nghị có đại diện Ban Thư ký ASEAN và đại biểu 10 nước ASEAN.

Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các quốc gia thành viên ASEAN được ký ngày 29/11/2004, có hiệu lực từ ngày 25/10/2005 và được nâng cấp thành điều ước quốc tế của ASEAN năm 2019. Đây là điều ước quốc tế đa phương đầu tiên về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự giữa các nước Đông Nam Á; đồng thời, là một trong những công cụ pháp lý đa phương hữu hiệu trong khu vực, xác lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, lâu dài, thể hiện sự nhất trí và quyết tâm chung của các nước ASEAN về hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực. Bộ Công an được Thủ tướng Chính phủ phân công thực hiện chức năng Cơ quan Trung ương của Việt Nam về thực thi Hiệp định.

Tính đến năm 2019, Hội nghị quan chức cao cấp về Hiệp định đã tổ chức 09 kỳ để đánh gia việc thực thi Hiệp định và thảo luận thúc đẩy thực thi hiệu quả Hiệp định này. Bộ Công an Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công 02 kỳ vào các năm 2008 và 2018.

Hội nghị này được tổ chức lần đầu tiên sau khi Hiệp định được nâng cấp thành điều ước quốc tế của ASEAN, là Hội nghị độc lập theo quy định tại Phụ lục I Hiến chương ASEAN.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng V03, Trưởng đoàn, cùng các thành viên Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.


Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Công Nguyên đã trình bày Báo cáo quốc gia của Việt Nam thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự trong hai năm qua; trong đó, đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực thi Hiệp định, nhất là các hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và các nước ASEAN. Đồng thời, Báo cáo quốc gia của Việt Nam cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai Hiệp định, quy định các biện pháp và phạm vi tương trợ tư pháp nêu trong Hiệp định là tương đối hẹp, một số quy định của Hiệp định không còn phù hợp và thiếu tính ràng buộc; việc thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự giữa các quốc gia ASEAN còn chậm, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Theo chương trình Hội nghị, các quốc gia ASEAN đã thảo luận về các nội dung: Xem xét việc gia nhập Hiệp định của quốc gia ngoài ASEAN; Xây dựng mẫu tiêu chuẩn hoặc mẫu yêu cầu tương trợ tư pháp; Đánh giá về Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa các quốc gia ASEAN; Điều khoản tham chiếu của Hội nghị và các vấn đề khác.

Việc Việt Nam tham dự Hội nghị này khẳng định cam kết của Việt Nam hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh trong khu vực; khẳng định chủ trương Việt Nam là Bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Tiến Dũng
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website