Chung tay giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện thuận lợi để tái hòa nhập cộng đồng

26/11/2023
Lượt xem: 371
Nhằm biểu dương, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, các mô hình điển hình tiêu biểu về tái hòa nhập cộng đồng… của 35 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, ngày 26/11/2023, tại Đồng Nai, Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và Cục Truyền thông Công an nhân dân tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật: “Ánh sáng và niềm tin hòa nhập cuộc sống”. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng của Truyền hình ANTV.
Phát biểu tại chương trình, Trung tướng Nguyễn Văn Phục, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng khẳng định, tái hòa nhập cộng đồng cho những người đã chấp hành xong án phạt tù là chính sách rất nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước. Công tác này có vị trí, vai trò rất quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
 
1. Trung tướng Nguyễn Văn Phục phát biểu tại chương trình.
Trung tướng Nguyễn Văn Phục phát biểu tại chương trình.
 
 
Những năm qua, Bộ Công an rất quan tâm đến công tác tái hòa nhập cộng đồng. Công tác này cũng đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Công an các địa phương đã tích cực, chủ động phát huy vai trò chủ công, nòng cốt cùng sự tham gia, phối hợp tích cực, hiệu quả của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và sự chung tay của cộng đồng xã hội đã giúp cho những người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện thuận lợi để tái hòa nhập cộng đồng. Từ đó giảm nguy cơ tái phạm tội, góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
 
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, hàng năm, Đồng Nai đều quản lý trên 1.000 người chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương nơi cư trú. Do đó, công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người đã từng lầm lỗi để ngăn ngừa tái phạm, tội phạm mới hết sức quan trọng.
 
2. Đồng chí Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phát biểu tại chương trình.
Đồng chí Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phát biểu tại chương trình.
 
 
Trước tình hình này, năm 2010, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định thành lập Quỹ doanh nhân với an ninh, trật tự nhằm vận động các doanh nhân, doanh nghiệp ủng hộ, đóng góp. Đến nay Quỹ doanh nhân với an ninh, trật tự Đồng Nai đã cho 1.280 người tái hòa nhập cộng đồng vay vốn quay vòng với tổng số tiền trên 35 tỷ đồng.
 
Tại buổi giao lưu, nhiều gương tái hòa nhập cộng đồng điển hình tại các địa phương đã bày tỏ lòng cảm kích về sự hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ, động viên kịp thời của lực lượng Công an và các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương. Đây là động lực giúp họ tự tin, vượt qua mặc cảm để làm lại cuộc đời, phấn đấu vươn lên làm giàu, trở thành người có ích cho xã hội.
 
Các đại biểu giao lưu tại chương trình.
 
 
Là địa phương tiên phong trong việc dành ngân sách để cho người tái hòa nhập cộng đồng vay vốn tạo dựng lại cuộc sống, đồng chí Phạm Việt Công, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp cho hay, trước thực trạng người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn, năm 2014, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã quyết định thành lập Quỹ phát triển tái hóa nhập cộng đồng với nguồn vốn ban đầu từ ngân sách địa phương. Đến nay quỹ đã phát triển được số vốn trên 30 tỷ đồng và đã cho tổng cộng 9.500 người tái hóa nhập cộng đồng được vay. Đồng Tháp cũng vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có từ 10% lao động là người tái hòa nhập cộng đồng sẽ được tiếp cận vay vốn từ nguồn quỹ này.
 
4. Trung tướng Nguyễn Văn Phục trao kỷ niệm chương tặng đại diện các đơn vị.
Trung tướng Nguyễn Văn Phục trao kỷ niệm chương tặng đại diện các đơn vị.
 
 
Thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) là một địa phương sớm dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác tái hòa nhập cộng đồng. Theo đồng chí Nguyễn Hồng Lai, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam chia sẻ, nhận thấy người vừa chấp hành xong án phạt tù trở về tái hòa nhập cộng đồng thường tự ti, Uỷ ban nhân dân TP Tam Kỳ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn bộ các khu phố trên địa bàn. TP Tam Kỳ đã xây dựng các mô hình tái hòa nhập cộng đồng và hàng năm đều tổ chức từ 4-6 lớp đào tạo nghề cho đối tượng này từ nguồn ngân sách địa phương...
 
6. Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai trao kỷ niệm chương tặng các điển hình tái hòa nhập.
Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai trao kỷ niệm chương tặng các điển hình tái hòa nhập cộng đồng.
 
 
Đồng chí Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định, để hỗ trợ việc làm cho người lầm lỡ khi trở về với cộng đồng, Cục Việc làm cùng các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng và Trung tâm giới thiệu việc làm tìm kiếm, giới thiệu việc làm cho người lầm lỗi ngay khi họ trở về địa phương. Cục Việc làm cũng huy động các doanh nghiệp chung tay giải quyết việc làm cho người từng lầm lỗi bảo đảm cuộc sống ngay khi họ vừa tái hòa nhập cộng đồng…
 
Các đại biểu dự chương trình giao lưu.
 
 
Đại tá Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng cho biết, nhằm hỗ trợ người lầm lỗi tạo sinh kế để tái hòa nhập cộng đồng, Bộ Công an đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22 ngày 17/8/2023 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đây là chính sách hết sức nhân văn đối với người từng có quá khứ lầm lỗi. Chỉ sau hơn 1,5 tháng, cả nước đã có gần 1.200 người vừa chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn vay.
 
 
Thời gian qua, công tác tái hòa nhập cộng đồng ngày càng nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, lực lượng Công an đã làm tốt vai trò chủ công, nòng cốt cũng như trong công tác tham mưu. Hiện trên cả nước đã xây dựng được 250 mô hình điển hình và nhân lên được hàng nghìn mô hình. Trung bình mỗi năm cả nước có trên 50.000 người chấp hành xong án phạt tù trở về với cộng đồng, được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ về việc làm để từ đó giảm thiểu tình trạng tái phạm. Những năm qua, tỷ lệ tái phạm tội trong đối tượng này chỉ ở mức dưới 3%. Đây là kết quả đáng ghi nhận, vì đã làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng thời gian qua…   

 

Bảo Sơn - Nguyễn Ngọc
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website