Đối thoại, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, học sinh.

02/02/2024
Ngày 01/02/2024, Công an tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị đối thoại, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho gần 500 thanh thiếu niên, học sinh trên địa bàn huyện Thái Thụy. Hội nghị đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác quản lý thanh thiếu niên của gia đình, nhà trường và xã hội.
Toàn cảnh Hội nghị.


Tại hội nghị, gần 500 thanh thiếu niên, học sinh là đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật và phụ huynh, cán bộ, giáo viên các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện được lãnh đạo các phòng chức năng Công an tỉnh phổ biến các nội dung quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý, sử dụng pháo; các trường hợp được sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, các hành vi bị nghiêm cấm về sử dụng pháo; các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của ma túy cũng như hiểm họa khôn lường từ sử dụng thuốc lá điện tử, bóng cười; thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật đang có chiều hướng gia tăng ở lứa tuổi thanh thiếu niên như: cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, bạo lực học đường…; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là các loại tội phạm có xu hướng nhắm vào đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh để lôi kéo, dụ dỗ như: đánh bạc (cá độ bóng đá, số đề), cho vay lãi nặng, “tín dụng đen”; thông tin về an ninh mạng, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lợi dụng công nghệ cao, kỹ năng tương tác lành mạnh trên môi trường mạng xã hội; các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng…

Đại tá Phạm Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Công an tỉnh trao đổi, nói chuyện trực tiếp với các em thanh thiếu niên, học sinh, phụ huynh và cán bộ, giáo viên; qua đó thể hiện rõ hơn về nhận thức, tâm tư, tình cảm của các em cũng như mong muốn nguyện vọng của phụ huynh và cán bộ, giáo viên. 

 

Chia sẻ tại Hội nghị, đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, mặt trái của nền kinh tế thị trường, kinh tế số và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, các loại tư tưởng, văn hóa, thông tin xấu độc du nhập, tràn lan trên không gian mạng... tác động, ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức, tâm lý, hành vi của người chưa thành niên.

Đồng chí đề nghị về phía các em thanh thiếu niên cần phải có ý thức học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống; chủ động nhận biết, chọn lọc thông tin, tránh xa những thông tin xấu độc, tránh xa những tệ nạn xã hội, nhóm bạn bè xấu lôi kéo, rủ rê; đồng thời tích lũy, tìm hiểu kiến thức pháp luật, kỹ năng sống, các biện pháp tự bảo vệ, để trang bị, hoàn thiện, bảo vệ bản thân, trở thành người tốt, người có ích cho xã hội. 

Qua đối thoại, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác quản lý thanh thiếu niên của gia đình, nhà trường và xã hội.


Về phía gia đình, nhà trường cần dành nhiều thời gian hơn quan tâm đến đời sống tinh thần, nắm bắt tâm tư, tâm lý, tình cảm của con em mình để tư vấn, khuyên bảo, chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời; phối hợp tốt trong quản lý, giáo dục con em, kịp thời nắm các biểu hiện của các cháu để có biện pháp giáo dục, phòng ngừa. Các nhà trường cần chú trọng bên cạnh giáo dục kiến thức văn hóa cần quan tâm hơn nữa giáo dục xây dựng nền tảng đạo đức, bổ sung, đưa vào nội dung học tập, thi cử về pháp luật, thông báo phương thức, thủ đoạn tội phạm và vi phạm pháp luật, hướng dẫn kỹ năng sống.

Cấp ủy chính quyền, các ngành, đoàn thể xã hội địa phương và Công an cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; chú trọng tạo lập các sân chơi, bãi tập, các hình thức sinh hoạt bổ ích, lành mạnh nhằm thu hút học sinh và người chưa thành niên tham gia học tập, rèn luyện, sử dụng thời gian nhàn rỗi có ích và thiết thực.

 

 

Việt Anh - Nguyễn Dịu
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website