Hỏi đáp trực tuyến

Bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với việc sử dụng ứng dụng để quản lý các thiết bị thông minh

Người gửi: Huỳnh Trang

Hiện tại công ty chúng tôi có sử dụng ứng dụng để quản lý các thiết bị thông minh smart-home từ xa trên điện thoại, trong trường hợp công ty chúng tôi sử dụng số điện thoại hoặc thư điện tử (email) của người dùng để đăng ký sử dụng ứng dụng và ứng dụng này được cung cấp bởi bên thứ ba ở nước ngoài. Bộ Công an cho hỏi, trong trường hợp này công ty chúng tôi có thuộc đối tượng bị quản lý bởi Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về việc bảo vệ người dùng hay không? Nếu trong trường hợp thuộc đối tượng của Nghị định số 13/2023/NĐ-CP thì công ty chúng tôi phải thực hiện những thủ tục hành chính gì đối với các cơ quan có liên quan?

Ngày hỏi: 24/08/2023 Lượt xem: 3687

Câu trả lời

Trước tiên, cần làm rõ vai trò của công ty trong việc quản lý, sử dụng ứng dụng quản lý các thiết bị thông minh smart-home từ xa trên điện thoại? Do được cung cấp bởi bên thứ 3 ở nước ngoài, nên việc cung cấp ứng dụng có được hiểu là ứng dụng này thuộc sở hữu của công ty nước ngoài?

Trường hợp: Nếu công ty là đại lý trung gian của công ty ở nước ngoài, kinh doanh các thiết bị smart-home do công ty nước ngoài cung cấp vào thị trường Việt Nam. Công ty bán sản phẩm, hướng dẫn người dùng cung cấp thông tin cá nhân để đăng ký sử dụng dịch vụ. Sau khi khai báo, sẽ phát sinh việc xử lý dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam. Như vậy, công ty (với vai trò đại lý trung gian) thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 13/2023/NĐ-CP, phải thực hiện các thủ tục sau:

(1) Có văn bản thỏa thuận hoặc ràng buộc với công ty ở nước ngoài về trách nhiệm của đại lý trong việc thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam;

(2) Thực hiện các quy định tại Nghị định số 13/2023/NĐ-CP;

(3) Đề nghị công ty ở nước ngoài làm hồ sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam, vai trò là Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, làm hồ sơ đánh giá tác động chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài.

Người trả lời: Bộ Công an