Thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo Bộ Công an và các ngành có liên quan chú trọng, tăng cường công tác bảo vệ người tố giác tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng. Điều 61 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã quy định: “Người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi nhận được đơn tố cáo hành vi tham nhũng phải xem xét và xử lý theo thẩm quyền; giữ bí mật cho họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin khác theo yêu cầu của người tố cáo; áp dụng kịp thời các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo khi có biểu hiện đe dọa, trả thù, trù dập người tố cáo hoặc khi người tố cáo yêu cầu; thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo khi có yêu cầu”.
Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng còn nhiều bất cập, do vậy Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Quy chế bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng để trình Thủ tướng Chính phủ duyệt, ký ban hành.
Để tăng cường công tác bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, Bộ Công an kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau đây:
- Các cơ quan, tổ chức có liên quan phải xây dựng và thực hiện nghiêm túc các quy trình về tiếp nhận, giải quyết tố cáo, trong đó đề cao trách nhiệm của cá nhân trong bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo tội phạm.
- Đẩy mạnh phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ người tố cáo tội phạm nói chung, tội phạm tham nhũng nói riêng. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về tố cáo và bảo vệ người tố cáo tội phạm để mọi người hiểu, yên tâm và sẵn sàng tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng.
Lực lượng Công an tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng; kịp thời, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi trả thù, trù dập người tố cáo.