Hỏi đáp trực tuyến

Các quy định về sử dụng thiết bị bay không người lái

Người gửi: Ngô Luân

Gần đây, báo chí có phản ánh về một số trường hợp người dân sử dụng các thiết bị bay không người lái gần khu vực sân bay, gây ảnh hưởng đến hoạt động bay của máy bay. Về vấn đề này, tôi muốn hỏi Bộ Công an một số nội dung sau:

- Việc sử dụng các thiết bị bay không người lái như Flycam, Drone, UAV... khi chưa được cấp phép thì có bị xử phạt hay không? Trường hợp có bị xử phạt thì mức xử phạt và thẩm quyền xử phạt được quy định cụ thể như thế nào?

- Các trường hợp nào sẽ được miễn cấp phép bay? Tôi được biết, các thiết bị bay không người lái phục vụ vui chơi giải trí có trọng lượng cất cánh tối đa nhỏ hơn 0,25kg sẽ được miễn cấp phép bay có đúng hay không?

- Thủ tục và hồ sơ xin cấp phép sử dụng các thiết bị bay không người lái tại Việt Nam quy định cụ thể như thế nào?

- Những khu vực nào là khu vực cấm sử dụng các thiết bị bay không người lái tại Việt Nam?

 

Ngày hỏi: 15/07/2025 Lượt xem: 544

Câu trả lời

1. Việc sử dụng các thiết bị bay không người lái như Flycam, Drone, UAV... khi chưa được cấp phép thì có bị xử phạt hay không? Trường hợp có bị xử phạt thì mức xử phạt và thẩm quyền xử phạt được quy định cụ thể như thế nào?

 

Căn cứ Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình; việc sử dụng các thiết bị bay không người lái như Flycam, Drone, UAV... khi chưa được cấp phép sẽ bị xử phạt, cụ thể như sau:

 

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tàu bay không người lái hoặc phương tiện bay siêu nhẹ chưa được đăng ký cấp phép bay hoặc tổ chức các hoạt động bay khi chưa có giấy phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng thời gian, địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép (tại điểm đ, khoản 2, Điều 7);

 

- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện hoạt động bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ không đúng nội dung trong phép bay do cơ quan có thẩm quyền cấp (tại khoản 7, Điều 7);

 

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện hoạt động bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ khi chưa có phép bay do cơ quan có thẩm quyền cấp (tại khoản 10, Điều 7).

 

Ngoài ra, còn có hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với điểm đ, khoản 2 và khoản 10 và tước quyền sử dụng phép bay từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi pham quy định tại khoản 7, Điều này.

 

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định chi tiết tại Chương III của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021.

 

2. Các trường hợp nào sẽ được miễn cấp phép bay? Tôi được biết, các thiết bị bay không người lái phục vụ vui chơi giải trí có trọng lượng cất cánh tối đa nhỏ hơn 0,25kg sẽ được miễn cấp phép bay có đúng hay không?

 

Căn cứ khoản 3, Điều 30 Luật số 49/2024/QH15 ngày 27/11/2024 của Quốc hội ban hành Luật Phòng không nhân dân quy định tàu bay không người lái, phương tiện bay khác thuộc một trong các trường hợp sau đây được miễn cấp phép bay:

 

a) Hoạt động ngoài khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay, phạm vi hoạt động trong tầm nhìn trực quan bằng mắt thường, có trọng lượng cất cánh tối đa nhỏ hơn 0,25 kg để phục vụ vui chơi giải trí;

 

b) Hoạt động trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ tính mạng, tài sản của tổ chức, cá nhân theo quyết định của cấp có thẩm quyền nhưng phải thông báo đến cơ quan quản lý hoạt động bay trước khi bay.

 

Luật Phòng không nhân dân có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Như vậy, sau ngày 01/7/2025, đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác có trọng lượng cất cánh tối đa nhỏ hơn 0,25 kg đáp ứng các điều kiện tại điểm a sẽ được miễn cấp phép bay.

 

3. Thủ tục và hồ sơ xin cấp phép sử dụng các thiết bị bay không người lái tại Việt Nam quy định cụ thể như thế nào?

 

Hiện nay, thủ tục và hồ sơ xin cấp phép sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ thực hiện theo mã thủ tục hành chính số 3.000132 do Bộ Quốc phòng quản lý cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định mới quy định về quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay khác, cụ thể:

 

a) Thủ tục xin cấp phép bay

 

Cá nhân, tổ chức có nhu cầu cấp phép sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ nộp hồ sơ chậm nhất 07 ngày làm việc, trước ngày dự kiến tổ chức thực hiện các chuyến bay, các tổ chức, cá nhân nộp đơn đề nghị cấp phép bay đến Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng (nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa Bộ Quốc phòng hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích đến Cục Tác chiến, số 01 Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội hoặc nộp trực tuyến trên cổng dịch vụ công Bộ Quốc phòng).

 

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, Cục Tác chiến cấp phép tổ chức thực hiện các chuyến bay hoặc ra văn bản từ chối cấp phép bay (trong các trường hợp để đảm bảo an ninh, quốc phòng, an toàn hàng không và khi chưa cung cấp đầy đủ thông tin quy định trong đơn đề nghị cấp phép bay).

 

Trường hợp có vướng mắc hoặc cần được hướng dẫn trong quá trình nộp hồ sơ, đề nghị công dân/tổ chức liên hệ Cục Tác chiến qua số điện thoại 0987567606 để được hỗ trợ.

 

b) Thành phần hồ sơ:

 

- Đơn đề nghị cấp phép bay;

 

- Ảnh chụp tàu bay, phương tiện bay (kích thước tối thiểu 18 x 24cm);

 

- Bản thuyết minh kỹ thuật hàng không của tàu bay, phương tiện bay;

 

- Giấy phép hoặc giấy ủy quyền hợp pháp cho phép tàu bay, phương tiện bay thực hiện cất, hạ cánh tại sân bay, khu vực trên mặt đất, mặt nước;

 

- Các giấy tờ, tài liệu khác liên quan đến tàu bay, phương tiện bay.

 

4. Những khu vực nào là khu vực cấm sử dụng các thiết bị bay không người lái tại Việt Nam?

 

Căn cứ Quyết định số 18/2020/QĐ-TTg, ngày 10/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thiết lập khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; trong đó tại Điều 3 quy định khu vực cấm bay, cụ thể:

 

a) Khu vực các công trình quốc phòng và khu quân sự đặc biệt quan trọng do Chính phủ ủy quyền cho Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo việc quản lý, bảo vệ.

Khoảng cách từ tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ hoạt động đến ranh giới khu vực cấm theo chiều ngang không nhỏ hơn 500m ở mọi độ cao.

 

b) Khu vực trụ sở làm việc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương; trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; trụ sở làm việc của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; trụ sở các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Khoảng cách từ tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ hoạt động đến ranh giới khu vực cấm theo chiều ngang không nhỏ hơn 200m ở mọi độ cao.

 

c) Khu vực quốc phòng, an ninh

Khu vực đóng quân; khu vực triển khai lực lượng, trang bị chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện chiến đấu, bảo vệ mục tiêu; khu vực kho tàng, nhà máy, căn cứ (trung tâm) hậu cần, kỹ thuật, trại giam, nhà tạm giam, nhà tạm giữ của các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; khu vực các công trình trong danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

Khoảng cách từ tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ hoạt động đến ranh giới khu vực cấm theo chiều ngang không nhỏ hơn 500m ở mọi độ cao.

 

d) Khu vực cảng hàng không, sân bay có hoạt động của tàu bay hàng không dân dụng, quân sự.

- Đối với sân bay có 01 đường cất, hạ cánh, phạm vi cấm được giới hạn trong khu vực hình chữ nhật được xác định từ vị trí ngưỡng tại hai đầu của đường cất, hạ cánh mở rộng và kéo dài ra phía ngoài hai đầu đường cất, hạ cánh đến 15000m và từ đường tim của đường cất, hạ cánh mở rộng sang hai bên 5000m ở mọi độ cao;

 

- Đối với sân bay có từ 02 đường cất, hạ cánh trở lên thì phạm vi cấm được giới hạn khu vực hình chữ nhật, được xác định từ vị trí ngưỡng của đường cất, hạ cánh xa nhất theo chiều cất, hạ cánh của tàu bay, mở rộng và kéo dài ra phía ngoài hai đầu đường cất, hạ cánh đến 15000m và mở rộng sang hai bên 5000m tính từ tim của 02 đường cất, hạ cánh ngoài cùng ở mọi độ cao.

 

- Đối với một số khu vực cảng hàng không, sân bay có hoạt động của tàu bay hàng không dân dụng với tần suất nhỏ hơn 06 chuyến mỗi ngày cho phép áp dụng khu vực cấm bay linh hoạt. Nhưng không được bay trong ranh giới khu vực cảng hàng không, sân bay; không được bay trong thời gian trước và sau 01 giờ so với thời gian có hoạt động của tàu bay có người lái tại cảng hàng không, sân bay; chỉ bay khi được sự đồng ý của cơ quan quản lý, điều hành bay quân sự và cơ quan quản lý hoạt động bay tại cảng hàng không, sân bay đó.


e) Khu vực nằm trong giới hạn của đường hàng không, các vệt bay, hành lang bay đã được cấp phép trong vùng trời Việt Nam, phạm vi giới hạn của đường hàng không được nêu trong tập thông báo tin tức hàng không của Việt Nam "AIP Việt Nam" do Cục Hàng không Việt Nam công bố.


t) Trong trường hợp đặc biệt vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc theo đề nghị của các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo an toàn bay, trật tự an toàn xã hội, Bộ Quốc phòng quyết định hạn chế bay tạm thời hoặc cấm bay tạm thời đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ tại một số khu vực trong lãnh thổ Việt Nam; quyết định này có hiệu lực ngay.

 

Để thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng tàu bay không người lái và các phương tiện bay khác trong vùng trời Việt Nam; ngày 15/6/2025, Bộ Quốc phòng đã chính thức công bố khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay khác trên Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng http://cambay.mod.gov.vn phục vụ công tác quản lý, giám sát và kiểm tra đối chiếu thông tin khu vực bay.

 

Người trả lời: Bộ Công an