Về vấn đề này, Bộ Công an trả lời như sau:
Tại điểm a, Khoản 1, Điều 242 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã xử phạt vi phạm hành chính về một trong những hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng chất độc, chất nổ, các hóa chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản...”
Như vậy, trong Điều 242 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định rất cụ thể việc đánh bắt thủy sản bằng hình thức hủy diệt có thể bị xử lý hình sự với hình thức phạt tù cao nhất lên đến 03 năm.
Thời gian vừa qua, Bộ Công an đã chỉ đạo tăng cường công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tuy nhiên, quá trình đấu tranh xử lý các vi phạm còn một số khó khăn, vướng mắc, hạn chế, trong đó các hành vi vi phạm chủ yếu chỉ xử lý về hành chính, chưa xử lý hình sự, nguyên nhân là do các vi phạm chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, đối tượng vi phạm là người dân nghèo, người có thu nhập thấp; số lượng thủy sản bị thiệt hại có giá trị chưa cao, chưa đủ điều kiện để xử lý hình sự.
Thời gian tới, để tăng cường công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ Công an sẽ chỉ đạo tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Triển khai các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tập trung phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi hủy hoại nguồn lợi thủy sản. Tăng cường phối hợp với các ngành liên quan trong công tác phát hiện, đấu tranh. Nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ được phân công phụ trách địa bàn, lĩnh vực trong quá trình triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Tổ chức tập huấn chuyên sâu, quán triệt các quy định mới của pháp luật cho lực lượng Cảnh sát môi trường và các lực lượng có liên quan công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Nghiên cứu, đề xuất kiện toàn hệ thống tổ chức và biên chế cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về thủy sản; bổ sung kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về thủy sản.