Hỏi đáp trực tuyến

Đề nghị có biện pháp để hạn chế các vụ trọng án ở tuổi vị thành niên

Người gửi: Cử tri tỉnh Phú Yên

Hiện nay, tình hình an ninh, trật tự ở các địa phương trong cả nước diễn ra rất phức tạp, các tổ chức tội phạm hoạt động tinh vi bằng nhiều thủ đoạn, các hành vi xem thường pháp luật, chống người thi hành công vụ thường xuyên xảy ra; nhiều vụ án cực kỳ nghiêm trọng như cướp của, giết người; đối tượng gây án càng trẻ và rất manh động. Cử tri tiếp tục đề nghị Nhà nước có biện pháp xử lý thật nghiêm minh, mạnh tay để có tác dụng răn đe, giáo dục các đối tượng khác và cần có biện pháp để hạn chế các vụ trọng án ở tuổi vị thành niên.

Ngày hỏi: 28/11/2017 Lượt xem: 15906

Câu trả lời

Những năm qua, lực lượng Công an nhân dân đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị liên tục triển khai các chương trình, kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, kiềm chế sự gia tăng các loại tội phạm. Năm 2013, lực lượng Công an đã điều tra, khám phá 44.033 vụ phạm tội về trật tự xã hội, với 88.259 đối tượng, đạt tỷ lệ 74,49% cao hơn 1,09% so với năm 2012; triệt phá 2.640 băng, nhóm tội phạm; 6 tháng đầu năm 2014, đã điều tra, khám phá 22.002 vụ phạm tội về trật tự xã hội với 45.261 đối tượng, đạt tỷ lệ 75,58%, cao hơn 0,1% so với cùng kỳ năm 2013; triệt phá 1.469 băng, nhóm tội phạm, trong đó có nhiều băng, nhóm tội phạm nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.

Sáu tháng đầu năm 2014, phát hiện 29.111 vụ phạm tội về trật tự xã hội, tăng 2,21% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, các loại tội phạm nghiêm trọng đều giảm như: giết người, cướp tài sản giảm 28,89%; giết người giảm 8,37%; cướp tài sản giảm 21,71%; chống người thi hành công vụ giảm 24,22%... Nhưng tính chất tội phạm rất nghiêm trọng, đáng lo ngại là tội phạm do người ở lứa tuổi vị thành niên gây ra khá phức tạp; 06 tháng đầu năm 2014 đã phát hiện 4.029 vụ, 6.018 đối tượng chưa thành niên phạm tội, chiếm 13,8% số vụ, 13,3% số đối tượng phạm tội về trật tự xã hội. Đáng chú ý một số vụ án do thanh, thiếu niên tụ tập thành băng, nhóm sử dụng dao, lê, mã tấu, kiếm đâm chém, giết người, cướp tài sản hoặc giải quyết  mâu thuẫn bột phát, nhất thời, có vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Nguyên nhân chủ yếu là: (1) Tình hình kinh tế còn khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tiếp tục gia tăng kéo theo nhiều người lao động mất việc làm tạo áp lực lớn đến các vấn đề xã hội. (2) Tâm sinh lý lứa tuổi thanh, thiếu niên phát triển chưa hoàn thiện, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, kích động tham gia vào những việc làm sai trái, dễ nảy sinh tội phạm và vi phạm pháp luật. (3) Nhiều gia đình chưa quan tâm đúng mực vào việc quản lý, giáo dục hoặc áp đặt cách giáo dục không phù hợp, thậm chí còn dung túng, bao che, giấu giếm hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật của con em. (4) Việc tổ chức quản lý, giáo dục đạo đức, pháp luật, bồi dưỡng nhân cách cho học sinh, sinh viên của một số nhà trường chưa được chú trọng. (5) Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục con em chưa thực sự chặt chẽ, thường xuyên, còn mang tính hình thức. (8) Tác động tiêu cực của các ấn phẩm đồi trụy, trò chơi bạo lực trên Internet (game online) đối với thanh, thiếu niên đang trong giai đoạn phát triển về nhận thức. (7) Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xử lý thanh, thiếu niên vi phạm còn bất cập, mức hình phạt với tội phạm do người chưa thành niên gây ra còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe.

Trước tình hình trên, Bộ Công an đã đề xuất Chính phủ xem xét, duyệt bổ sung Dự án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên” vào Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm; tập trung rà soát, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ phục vụ công tác phòng, chống tội phạm do người ở tuổi vị thành niên gây ra. Đồng thời, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện một số công tác trọng tâm sau:

- Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; gắn với thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13, ngày 23/11/2012, Nghị quyết số 63/2013/QH13, ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012-2015; Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự.

- Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, nghị quyết liên tịch về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm do người ở tuổi vị thành niên gây ra, như: Thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an về công tác bảo vệ an ninh, trật tự trong trường học; Nghị quyết Liên tịch giữa Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Bộ Công an về quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội; Nghị quyết liên tịch giữa Bộ Công an với Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh, thiếu niên... Chú trọng thực hiện các biện pháp giải quyết tình trạng thanh, thiếu niên lang thang, mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật và phạm tội.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, tầm quan trọng của công tác phòng ngừa tội phạm do người ở tuổi vị thành niên gây ra. Nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, vùng, miền, dân cư, giúp các tầng lớp nhân dân hiểu được tâm lý thanh, thiếu niên để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm do người ở tuổi vị thành niên gây ra.

- Tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả giáo dục, quản lý đối với thanh, thiếu niên tại gia đình, nhà trường, địa phương để chủ động giáo dục, ngăn ngừa tội phạm từ cơ sở. Triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình về phòng, chống tội phạm trong thanh, thiếu niên, như “Khu nội trú sinh viên an toàn, văn minh, không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”...

- Triển khai các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình tổ công tác phối hợp 03 lực lượng (Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự) ở Công an đơn vị, địa phương nhằm trấn áp quyết liệt các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm hoạt động đâm thuê, chém mướn, giết người, cướp, cướp giật tài sản... do người ở tuổi vị thành niên gây ra; triệt xóa các tụ điểm phức tạp về tội phạm và tệ nạn xã hội; phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án đưa ra xét xử kịp thời các vụ án điểm nhằm răn đe tội phạm.

Người trả lời: Bộ Công an