Hỏi đáp trực tuyến

Hỏi về chế độ nghỉ hưu trước tuổi

Người gửi: Nguyễn Hồng Linh

Tôi tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân, hệ chính quy và hiện có thâm niên trong Công an nhân dân vừa đủ 25 năm. Bộ Công an cho tôi hỏi trường hợp của tôi đã đủ điều kiện để nghỉ hưu chưa? Nếu được thì tôi được hưởng chế độ như thế nào, lương hưu và bảo hiểm xã hội của tôi được tính ra sao?

Ngày hỏi: 22/05/2020 Lượt xem: 37921

Câu trả lời

1. Về điều kiện được nghỉ hưu

Căn cứ điểm c Khoản 1 Điều 3 Chương II Nghị định số 49/2019/NĐ-CP, ngày 06/6/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND), quy định “Nam đủ 25 năm, nữ đủ 20 năm phục vụ trong CAND trở lên, trong đó có ít nhất 5 năm được tính thâm niên Công an và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trở lên nhưng chưa đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu mà CAND không còn nhu cầu bố trí hoặc không chuyển ngành, hoặc sỹ quan, hạ sỹ quan tự nguyện xin nghỉ”. Như vậy, trường hợp của đồng chí Linh mà có 25 năm trong CAND và bản thân tự nguyện muốn xin nghỉ hưu thì đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định trên; đồng chí sẽ được hưởng các chế độ như: Chế độ hưu trí hằng tháng, trợ cấp khu vực một lần (nếu có), trợ cấp một lần của thời gian tăng thêm do quy đổi (nếu có).

2. Đối với cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần

Tại Điều 62 của Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016) quy định:

Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu, như sau:

a) Tham gia BHXH trước ngày 01/01/1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

b) Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1995 đến 31/12/2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

c) Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2001 đến ngày 31/12/2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

d) Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2007 đến ngày 31/12/2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

e) Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

g) Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

3. Về mức lương hưu hằng tháng

Tại Khoản 2, Điều 56, của Luật BHXH năm 2014, quy định:

Từ ngày 01/01/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm, sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b Khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Như vậy, trường hợp của đồng chí Linh (nếu là nam giới) xin nghỉ hưu năm 2020 và có 25 năm đóng BHXH thì tỷ lệ phần trăm hưởng hưu hằng tháng là 59% (nếu đồng chí Linh là nữ thì tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu sẽ là 65% và ngoài ra được điều chỉnh lương hưu theo quy định tại Nghị định số 153/2018/NĐ-CP, ngày 07/11/2018 của Chính phủ quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm đến 29 năm 06 tháng).

Nếu đồng chí Linh là lãnh đạo chỉ huy thì ngoài được hưởng lương hưu hằng tháng, sẽ được hưởng trợ cấp một lần theo Công văn số 548/BCA-X01, ngày 06/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an, hướng dẫn thực hiện về chính sách và hồ sơ cán bộ khi triển khai sắp xếp theo cơ cấu tổ chức mới của Bộ Công an.

 

Người trả lời: Bộ Công an