Hỏi đáp trực tuyến

Hỏi về quy định đặc xá đối với phạm nhân là người nước ngoài

Người gửi: Phạm Hồng Thanh

Tôi hiện đang làm việc bên ngành Ngoại giao, tôi được biết vừa qua Bộ Công an chủ trì xây dựng dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi). Bộ Công an cho tôi hỏi, quy định đặc xá đối với phạm nhân là người nước ngoài có gây trở ngại, khó khăn trong quan hệ ngoại giao giữa ta và các nước trên thế giới không? Các điều kiện bảo đảm về cơ sở lưu trú của ta hiện nay như thế nào?

Ngày hỏi: 10/08/2018 Lượt xem: 5120

Câu trả lời

Luật Đặc xá năm 2007 chưa quy định cụ thể thủ tục tiến hành bảo hộ công dân đối với phạm nhân là người nước ngoài được Việt Nam đặc xá, do đó, trên thực tế có một số trường hợp đến ngày công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho phạm nhân là người nước ngoài nhưng không có người đại diện của cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của nước mà người đó là công dân đến nhận, dẫn đến việc trại giam gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý. Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) đã bổ sung quy định “Trường hợp các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người được đặc xá là công dân nhưng các cơ quan này không đến nhận hoặc chưa đến nhận thì người nước ngoài được đặc xá được bố trí lưu trú tại cơ sở lưu trú do cơ quan quản lý thi hành án hình sự chỉ định trong thời gian chờ làm các thủ tục cần thiết” tại Điều 19 và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
 

Quy định như trong dự thảo là rất cần thiết và phù hợp, cụ thể:
 

- Quy định này không trái với Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao, Công ước Viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị; đồng thời phù hợp với các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam tham gia về nhận trở lại công dân, tương trợ tư pháp…
 

- Quy định này phù hợp với Khoản 4 Điều 40 Luật Thi hành án hình sự năm 2010: “Phạm nhân là người nước ngoài đã chấp hành xong án phạt tù thì được cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt tù và được lưu trú tại cơ sở lưu trú do cơ quan quản lý thi hành án hình sự chỉ định trong thời gian chờ làm thủ tục xuất cảnh”; phù hợp với quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014.
 

- Quy định này bảo đảm giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quy định của Luật Đặc xá năm 2007 về đặc xá đối với phạm nhân là người nước ngoài.
 

- Hiện nay, Bộ Công an có các cơ sở lưu trú tại phía Bắc và phía Nam với quy mô quản lý 50 người lưu trú/cơ sở; việc đưa người vào cơ sở lưu trú, quản lý người lưu trú trong thời gian qua được thực hiện đúng quy định của pháp luật và được sự quan tâm phối hợp của các cơ quan có liên quan và chưa phát sinh vướng mắc, khó khăn.
 

Việc thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người được đặc xá là công dân về việc đưa vào cơ sở lưu trú chờ điều kiện để xuất cảnh về nước thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với người nước ngoài phạm tội. Tổng kết thực tiễn cho thấy, phạm nhân là người nước ngoài được đặc xá luôn được bảo đảm các điều kiện tốt nhất./.

Người trả lời: Bộ Công an