Về vấn đề này, Bộ Công an trả lời như sau:
Trước tình hình rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ phức tạp trên không gian mạng, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm tạo hành lang pháp lý để xử lý nghiêm các hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, trong đó có các hành vi rao bán vũ khí và công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội. Đồng thời, lực lượng Công an đã triển khai các biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh và xử lý các hành vi rao bán vũ khí và công cụ hỗ trợ trên các trang mạng xã hội; qua đó đã phát hiện, xử lý hơn 9 nghìn bưu phẩm gửi trong nước có chứa trên 11 nghìn vũ khí, công cụ hỗ trợ và linh kiện, vật liệu để chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ.
Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi rao bán vũ khí và công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội. Đồng thời, lực lượng Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng rao bán vũ khí và công cụ hỗ trợ trên các trang mạng xã hội, nhất là phối hợp với các cơ quan thông tin và truyền thông tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để không thực hiện các hành vi mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội; phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu điện, dịch vụ chuyển phát nhanh để phát hiện các đối tượng mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ qua mạng xã hội; phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet rà soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân sử dụng các website, mạng xã hội, thuê bao viễn thông đăng tải thông tin, bài viết, hình ảnh liên quan đến hoạt động mua bán, hướng dẫn chế tạo, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép.