Hỏi đáp trực tuyến

Kiến nghị về tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy đối với học sinh, thanh thiếu niên

Người gửi: Cử tri tỉnh Quảng Trị

Tệ nạn ma túy luôn là hiểm họa trong đời sống xã hội, nhất là đối với thanh thiếu niên, học sinh. Hiện nay tệ nạn ma túy đã xâm nhập vào học đường, gây ra những hậu quả nặng nề cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy đối với học sinh, thanh thiếu niên

Ngày hỏi: 06/10/2020 Lượt xem: 6171

Câu trả lời

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với tội phạm và tệ nạn ma túy, bắt giữ nhiều vụ ma túy số lượng lớn. Để phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy trong học sinh, thanh thiếu niên, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT/BCA-BGDĐT về phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành giáo dục; phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 03/2011/NQLT về “Phối hợp hành động phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên”; tăng cường tuyên truyền về pháp luật, về các chất ma túy mới để thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên biết, chủ động phát hiện, phòng tránh; thường xuyên kiểm tra, rà soát và triển khai các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, đấu tranh, xử lý các vi phạm về sử dụng trái phép chất ma túy khu vực trường học, trong quán bar, karaoke, vũ trường…

Tuy nhiên, tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến rất phức tạp, trong đó tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, chủ yếu tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên (thống kê cho thấy, trong số hơn 230.000 người nghiện có hồ sơ quản lý thì số người từ 16 - 30 tuổi chiếm 48%). Trong khi đó, các loại ma túy tổng hợp ngày càng đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, dễ sử dụng, vì thế chúng len lỏi vào học đường dưới những cái tên mỹ miều, gây tò mò như “tem giấy”, “bùa lưỡi”, “nước vui”, “trà sữa”, “khô gà”… Đồng thời, các loại hình vui chơi, giải trí như quán bar, karaoke, vũ trường… phát triển nhanh chóng nên số lượng người sử dụng ma túy là thanh thiếu niên ngày càng tăng; các loại ma túy tổng hợp thường trở nên kích thích hơn khi sử dụng kèm với rượu, bia trong môi trường âm nhạc mạnh nên các quán bar, karaoke, vũ trường thường là nơi các đối tượng và thanh thiếu niên lợi dụng để tổ chức, sử dụng trái phép ma túy.

 
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy. Cụ thể, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW cùng với sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản, quy định khác có liên quan sẽ góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.

Đối với công tác phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy trong học sinh, thanh thiếu niên, Bộ Công an phối hợp các bộ, ngành triển khai thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; tăng cường tuyên truyền về pháp luật, về các chất ma túy mới để thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên biết, chủ động phát hiện, phòng tránh; thường xuyên kiểm tra, rà soát và triển khai các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, đấu tranh, xử lý các vi phạm về sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực trường học, trong quán bar, karaoke, vũ trường…; tiếp tục triệt phá các tụ điểm tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy nhỏ lẻ ở các địa phương, nhất là khu vực nông thôn.
Người trả lời: Bộ Công an