Hỏi đáp trực tuyến

Người đang hưởng án treo nhưng phạm tội mới trong thời gian thử thách thì thời hạn chấp hành án treo còn lại sẽ được tính như thế nào?

Người gửi: Thành Long

Tôi có người nhà đang hưởng án treo được 02 tháng nhưng nếu tới đây phạm tội ở một vụ án khác thì người nhà tôi sẽ bị xử lý như thế nào? Thời hạn chấp hành án treo còn lại sẽ được tính như thế nào? 

Ngày hỏi: 21/06/2024 Lượt xem: 5626

Câu trả lời

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù. Điều 87 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định người đang được hưởng án treo phải thực hiện một số nghĩa vụ sau đây: Có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này; Thực hiện nghiêm chỉnh cam kết trong việc tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc, học tập; chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp vì lý do khách quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận; Chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc; Chấp hành quy định tại Điều 92 của Luật này. Phải có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu; Hằng tháng phải báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình. Trường hợp vắng mặt theo quy định tại khoản 1 Điều 92 của Luật này thì khi hết thời hạn vắng mặt, người được hưởng án treo phải báo cáo về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình. 

 

Khoản 5 Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định như sau: "Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này".

 

Đối với trường hợp người nhà của bạn đọc Thành Long đang được hưởng án treo mà lại phạm tội ở một vụ án khác, tức là người nhà của bạn thực hiện hành vi phạm tội mới thì lúc này, Tòa án buộc người nhà của bạn phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) quy định về vấn đề này như sau: "Trường hợp người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội phạm mới và tổng hợp với hình phạt tù của bản án trước theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Bộ luật Hình sự; nếu họ đã bị tạm giam, tạm giữ thì thời gian bị tạm giam, tạm giữ được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù”. 


Căn cứ Điều 56 Bộ luật Hình sự 2015 việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án được thực hiện như sau: Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung; Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này; Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. 


Căn cứ Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP), những trường hợp không cho hưởng án treo gồm:

- Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; 

- Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng truy nã hoặc yêu cầu truy nã, trừ trường hợp đã ra đầu thú trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử; 

- Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo; 

- Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ một trong các trường hợp sau đây: 
a) Người phạm tội là người dưới 18 tuổi; 
b) Người phạm tội bị xét xử và kết án về 02 tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể. 

- Người phạm tội 02 lần trở lên, trừ một trong các trường hợp sau: 
a) Người phạm tội là người dưới 18 tuổi: 
b) Các lần phạm tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng; 
c) Các lần phạm tội, người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể; 
d) Các lần phạm tội do người phạm tội tự thú. Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm. 

Như vậy, theo quy định nêu trên, người hưởng án treo sẽ không được tiếp tục hưởng án treo nếu rơi vào trường hợp phạm tội mới trong thời gian thử thách; hoặc đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo.

Người trả lời: Bộ Công an