Về việc này, Bộ Công an trả lời như sau:
Theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành thì công dân khi đăng ký thường trú, tạm trú phải có chỗ ở hợp pháp. Đồng thời, tại Điều 5 Nghị định số 62/2021/NĐ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú đã quy định cụ thể các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp; theo đó, các khu dân cư, nhà ở tự phát không có giấy tờ tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp thì không đủ điều kiện đăng ký cư trú.
Để công tác quản lý cư trú được hiệu quả, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp đối với các trường hợp đang cư trú tại các khu dân cư, nhà ở tự phát, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an cơ sở tiến hành phân loại và hướng dẫn cụ thể đối với từng trường hợp người dân, cụ thể như sau:
- Đối với các trường hợp sinh sống ổn định, nhà ở, đất ở không có tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất ở thì phối hợp với đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND cấp xã thực hiện việc xác nhận nhà ở, đất ở không có tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất ở để lực lượng Công an có cơ sở giải quyết đăng ký cư trú cho công dân theo quy định Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Đối với công dân đã có nơi thường trú hoặc tạm trú nhưng nơi ở hiện tại không đủ điều kiện để đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú (UBND không xác nhận tình trạng nhà ở, đất ở) thì hướng dẫn công dân khai báo về nơi ở hiện tại với cơ quan đăng ký cư trú để được cập nhật nơi ở hiện tại vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Đối với trường hợp không có đủ điều kiện về chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú, tạm trú tại nơi đang cư trú thì Công an cơ sở hướng dẫn người dân khai báo thông tin về cư trú theo quy định của Điều 19 Luật Cư trú và Điều 4 Nghị định số 62/2021/NĐ-CP ngày 28/6/2021 của Chính phủ. Sau khi người dân thực hiện khai báo thông tin về cư trú theo hướng dẫn, nếu có nhu cầu thì Công an cơ sở cấp giấy xác nhận cư trú cho công dân để thực hiện các giao dịch dân sự.