Hỏi đáp trực tuyến

Thuốc có hàm lượng thấp hơn so với quảng cáo có được gọi là thuốc giả hay không? Tội sản xuất và buôn bán thuốc giả sẽ bị xử phạt ở mức phạt cao nhất là gì?

Người gửi: Phan Tuệ Như

Thời gian qua các cơ quan chức năng đã đấu tranh, ngăn chặn xử lý tội sản xuất, buôn bán thuốc giả có quy mô lớn trên cả nước. Mỗi tháng tôi mua rất nhiều thuốc cho cả nhà, tôi hiện rất lo lắng về việc mua bán thuốc và muốn hỏi Bộ Công an thuốc có hàm lượng thấp hơn so với quảng cáo có được gọi là thuốc giả hay không? Tội sản xuất và buôn bán thuốc giả sẽ bị xử phạt ở mức phạt cao nhất là gì? Các công ty cung cấp hoạt chất để sản xuất lô thuốc giả có chịu trách nhiệm gì không? Việc các công ty nhập khẩu và phân phối hoạt chất làm thuốc sai mục đích sẽ bị xử lý như thế nào?

 

Ngày hỏi: 15/05/2025 Lượt xem: 1106

Câu trả lời

Bộ Công xin trả lời bạn đọc Phan Tuệ Như 04 nội dung như sau:    

1. Thuốc sản xuất ra có hàm lượng thấp, không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành có thể bị coi là thuốc giả, cụ thể: Theo Điều 2, Luật Dược năm 2016, thuốc giả là thuốc được sản xuất thuộc một trong các trường hợp sau: a) Không có dược chất, dược liệu; b) Có dược chất, dược liệu nhưng không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu; c) Có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu, trừ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định tại khoản 32 Điều 2 Luật Dược năm 2016, trong quá trình bảo quản, lưu thông phân phối; đ) Được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ.

 

2. Theo Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): Người sản xuất, buôn bán thuốc giả có thể bị phạt ở mức cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, nếu:

- Thu lời bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
- Làm chết 02 người trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

 

3. Trong trường hợp nếu công ty cung cấp hoạt chất biết rõ hoạt chất đó sẽ được dùng để sản xuất thuốc giả mà vẫn cố tình cung cấp thì có thể bị xem là đồng phạm, tổ chức hoặc giúp sức trong việc sản xuất thuốc giả và bị xử lý hình sự theo Điều 194 Bộ luật Hình sự.

 

4. Căn cứ điểm a, khoản 2 Điều 62 Luật Dược năm 2016 thì việc các công ty nhập khẩu và phân phối hoạt chất làm thuốc sai mục đích sẽ bị thu hồi và có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế. Trong trường hợp nếu hành vi nhập khẩu, phân phối hoạt chất làm thuốc sai mục đích đó dẫn đến việc sản xuất thuốc giả, thuốc kém chất lượng, gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 194 Bộ luật Hình sự.

Người trả lời: Bộ Công an