Hỏi đáp trực tuyến

Về đề nghị có chế độ cho Công an viên có thâm niên công tác lâu năm

Người gửi: Ông Võ Văn Đi, cử tri tỉnh Quảng Bình

Ông Võ Văn Đi, cử tri thôn Hoành Vinh, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình phản ánh, ông là Công an viên có thời gian công tác đã hơn 20 năm nhưng chưa có chế độ gì. Đề nghị Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất cho những đối tượng này được hưởng chế độ.

Ngày hỏi: 28/11/2017 Lượt xem: 8922

Câu trả lời

Trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân các cấp rất quan tâm đến việc kiện toàn tổ chức bộ máy và hoạt động của lực lượng Công an xã, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực nông thôn. Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với Công an xã nói chung, Công an viên nói riêng thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, được quy định tại Pháp lệnh Công an xã và Nghị định số 73/2009/NĐ-CP, ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã, cụ thể là:

- Tại Khoản 3, Điều 23, Chương IV Pháp lệnh Công an xã quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, như sau: “Thực hiện chức năng quản lý, chỉ đạo tổ chức, hoạt động của Công an xã theo thẩm quyền và theo hướng dẫn của Công an cấp trên; bố trí trụ sở hoặc nơi làm việc cho Công an xã; cấp kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Công an xã và thực hiện các chế độ, chính sách đối với Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên.”

- Tại Khoản 4, Điều 7 Nghị định số 73/2009/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với Công an viên, như sau: “Phó trưởng Công an xã và Công an viên có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên nếu nghỉ việc vì lý do chính đáng thì được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân phụ cấp hiện hưởng; khi được cử đi tập trung đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, pháp luật, nghiệp vụ được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sỹ phục vụ có thời hạn cho Công an nhân dân; khi đi công tác được hưởng chế độ như đối với công chức cấp xã.”

- Tại Mục b, Khoản 3, Điều 8 Nghị định số 73/2009/NĐ-CP quy định nhiệm vụ chi của địa phương, như sau: “Chi trả tiền lương, phụ cấp và đóng, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Thực hiện các chế độ, chính sách: bồi dưỡng, trợ cấp, ốm đau, thai sản, tai nạn, bị thương, bị hy sinh hoặc từ trần. Chi cho công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, pháp luật, nghiệp vụ do địa phương tổ chức và bảo đảm chế độ bồi dưỡng cho Phó trưởng Công an xã và Công an viên khi được cử đi học tập tại các đợt đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng đó. Mua sắm trang phục, phù hiệu và in, cấp Giấy chứng nhận Công an xã theo mẫu quy định của Bộ Công an. Chi sơ kết, tổng kết và khen thưởng đơn vị, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác xây dựng lực lượng Công an xã do địa phương tổ chức. Các khoản chi khác cho Công an xã theo quy định của pháp luật thuộc trách nhiệm của địa phương. Đối với một số nhiệm vụ chi nếu đã thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả, ngân sách nhà nước không thực hiện nhiệm vụ chi này.”

Hiện nay, do điều kiện thực tế của từng địa phương nên việc thực hiện chế độ, chính sách và phụ cấp đối với Công an xã nói chung, Công an viên nói riêng có sự khác nhau. Căn cứ vào các quy định nêu trên, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với Công an viên thuộc trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đề nghị cử tri kiến nghị với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình về vấn đề này.

Người trả lời: Bộ Công an