Hỏi đáp trực tuyến

Về việc tăng cường công tác phòng, chống tội phạm

Người gửi: Cử tri TP Hồ Chí Minh

Cử tri bày tỏ bức xúc trước tình hình xảy ra nhiều vụ việc phạm tội nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Đề nghị các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, kết hợp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ kéo giảm tai nạn giao thông. Tập trung kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy các cơ sở có nguy cơ cháy cao, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định an toàn về cháy nổ.

Ngày hỏi: 28/11/2017 Lượt xem: 7557

Câu trả lời

* Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lực lượng Công an nhân dân đã tập trung tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm; liên tục triển khai các chương trình, kế hoạch, biện pháp tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, kiềm chế sự gia tăng các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh, trật tự của đất nước. 

Năm 2014, lực lượng Công an đã điều tra, khám phá 43.837 vụ phạm tội về trật tự xã hội, bắt xử lý 75.905 đối tượng, đạt tỷ lệ 77,3%, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 93,3%; triệt phá 4.904 băng, nhóm tội phạm. Qua đó, nhiều loại tội phạm nghiêm trọng giảm so với năm 2013, như: giết người giảm 7,93%; giết người, cướp tài sản giảm 31,96%; cướp tài sản giảm 25,85%… Tuy nhiên, một số loại tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, trong đó tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, cướp, cướp giật tài sản... xảy ra với tính chất, mức độ nghiêm trọng.

Nguyên nhân của tình trạng trên, chủ yếu là do: (1) Tình hình kinh tế còn khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn nhiều, kéo theo số người lao động mất việc làm tạo áp lực lớn đến các vấn đề xã hội. (2) Đạo đức xã hội xuống cấp, lối sống thực dụng, hưởng thụ, chạy theo lợi ích vật chất, nhất là trong thanh, thiếu niên rất đáng lo ngại. (3) Xu hướng giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong xã hội, trong gia đình bằng bạo lực có chiều hướng gia tăng. (4) Tác động tiêu cực của ấn phẩm đồi trụy, trò chơi trực tuyến trên Internet (game online) đối với thanh, thiếu niên đang trong độ tuổi phát triển về nhận thức, tâm, sinh lý. (5) Số người nghiện ma túy ngoài xã hội còn nhiều, tiềm ẩn yếu tố làm nảy sinh tội phạm. (6) Công tác phòng ngừa còn có mặt hạn chế.

Trước tình hình trên, Bộ Công an đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện các công tác trọng tâm sau:

(1) Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

(2) Tăng cường công tác nắm tình hình, tập trung rà soát số đối tượng có dấu hiệu hoạt động phạm tội để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn. Triển khai các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung trấn áp các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, hoạt động đâm thuê, chém mướn, tội phạm sử dụng vũ khí gây án, giết người, cướp, cướp giật tài sản..., tập trung ở các thành phố lớn, các tuyến, địa bàn trọng điểm, không để tội phạm lộng hành.

(3) Tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình tổ công tác phối hợp 03 lực lượng: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự ở Công an các địa phương trong phòng, chống tội phạm, nhất là phòng, chống cướp giật, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các vụ gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ...

(4) Tập trung vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tăng cường kiểm tra, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong nhân dân; phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đẩy mạnh công tác lập hồ sơ đưa đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc, trường giáo dưỡng và đưa vào diện giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

(5) Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; thiết lập và duy trì hoạt động của các đường dây “nóng” (điện thoại, email), hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận, xử lý kịp thời mọi thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm, nhất là tội phạm hoạt động theo băng, nhóm.

(6) Phối hợp chặt chẽ với các ngành tư pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, nhất là đối với các vụ án có tội phạm hoạt động theo băng, nhóm; tổ chức xét xử kịp thời các vụ án điểm nhằm răn đe tội phạm.

(7) Rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, trọng tâm là xây dựng dự án Luật Phòng, chống tội phạm có tổ chức; Luật Truy nã tội phạm; phối hợp xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính...

* Về kiến nghị: “tiếp tục triển khai các biện pháp đồng bộ kéo giảm tai nạn giao thông”

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT).  Do vậy, tình hình TTATGT đã có nhiều chuyển biến tích cực, ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông đã được kiềm chế. Năm 2014, tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí, toàn quốc xảy ra 25.669 vụ, giảm 18%; làm chết 9.091 người, giảm 7,7%; bị thương 7.360 người, giảm 22,7% so với năm 2013; tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Thời gian tới, để tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông, Bộ Công an tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện các công tác trọng tâm, sau đây:

(1) Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp lớn của Đảng, Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về công tác bảo đảm TTATGT, nhất là Chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

(2) Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, sử dụng, khai thác có hiệu quả các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông.

(3) Triển khai các cao điểm bảo đảm TTATGT, trong đó tập trung vào các chuyên đề, như: xử lý vi phạm chở hàng quá tải trọng; vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện; vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy...; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm số đối tượng lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép, mang theo vũ khí khi tham gia giao thông và các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông. Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả mô hình các tổ công tác phối hợp giữa Cảnh sát giao thông, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động...

(4) Phối hợp với các ngành, cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông trong các tầng lớp nhân dân.

(5) Phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật.

(6) Thông qua công tác  bảo đảm TTATGT, phát hiện và kiến nghị với cơ quan chức năng khắc phục, giải quyết các bất hợp lý trong tổ chức giao thông, các nguy cơ gây mất an toàn giao thông và các “điểm đen” tai nạn giao thông.

* Về kiến nghị: “Tập trung kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy các cơ sở có nguy cơ cháy cao, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định an toàn về cháy nổ”.

Trước tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, Bộ Công an đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế thiệt hại do cháy, nổ gây ra; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Qua thanh tra, kiểm tra, lực lượng Cảnh sát PCCC đã kịp thời hướng dẫn, kiến nghị các đơn vị, cơ sở thực hiện những biện pháp khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác PCCC. Năm 2014, lực lượng Cảnh sát PCCC đã kiểm tra và phúc tra PCCC 233.162 lượt cơ sở, tăng 27,4%, tập trung vào cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao; lập 232.278 biên bản kiểm tra về PCCC, tăng 41,7%; qua kiểm tra đã có 4.988 kiến nghị về PCCC, tăng 17,7%; đã phát hiện, xử lý 19.224 trường hợp vi phạm, tăng 76% so với năm 2013.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an, công tác PCCC ở nhiều địa phương đã được củng cố và đi vào nền nếp; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình và nhân dân đã nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm đối với công tác PCCC; phong trào nhân dân tham gia PCCC ngày càng được phát triển sâu rộng; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC được tăng cường... Do đó, đã từng bước kiềm chế sự gia tăng về số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, góp phần  bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ thắng lợi sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.

Thời gian tới, Bộ Công an tập trung chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC; triển khai đồng bộ các giải pháp PCCC, tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra an toàn PCCC, kịp thời phát hiện và khắc phục các sơ hở, thiếu sót về  bảo đảm an toàn PCCC; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Người trả lời: Bộ Công an