Thực hiện Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và Quyết định số 4917/QĐ-BCA-V11 ngày 16/11/2011 của Bộ Công an ban hành Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Bộ Công an và Công an các đơn vị, địa phương trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an; Văn phòng Bộ Công an đã có công văn số 2382/V11-P12 ngày 31/7/2012 chuyển các phản ánh trên đến Công an thành phố Hà Nội để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Kết quả cụ thể như sau:
1. Đối với trường hợp ông Phạm Quốc Tuấn, sinh năm 1981 ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, Hà Nội đăng ký hộ khẩu về khối Quyết Tiến, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông.
Theo ông Tuấn trình bày, do ông có nguyện vọng đăng ký về quận Hà Đông nên đã đọc thủ tục trên mạng và lấy biểu mẫu trên mạng để tự kê khai. Ngày 16/7/2012, ông Tuấn đến UBND phường Vạn Phúc để xin xác nhận tình trạng chỗ ở hợp pháp theo mẫu quy định của UBND thành phố. Khi đến UBND phường Vạn Phúc thì cán bộ UBND phường hướng dẫn nhà thừa kế qua cơ quan công chứng để làm thủ tục (ông Tuấn đăng ký về nhà của bố mẹ nhưng bố mẹ đã chết nên thừa kế phải có thủ tục đúng theo quy định của pháp luật). Ngày 18/7/2012, ông Tuấn đến UBND phường hỏi lại việc ông đăng ký hộ khẩu chỉ cần UBND phường xác nhận chứ không làm thủ tục chuyển thừa kế và được UBND phường hướng dẫn và nộp thủ tục tại UBND phường. Đến ngày 20/7/2012, UBND phường đã trả kết quả xác nhận cho ông Tuấn.
Sau khi có đủ thủ tục như hướng dẫn trên mạng Internet, ngày 21/7/2012 ông Tuấn mới đến Công an quận Hà Đông nộp hồ sơ (đến lần đầu). Cán bộ tiếp dân Công an quận Hà Đông thấy đủ thủ tục và vào sổ, ghi biên nhận, hẹn ngày trả và đề xuất đúng theo quy định quy trình đăng ký hộ khẩu. Ngày 04/8/2012, ông Tuấn đã đến Công an quận Hà Đông nhận kết quả giải quyết xong.
Như vậy, việc giải quyết đăng ký hộ khẩu cho ông Phạm Quốc Tuấn ở Thanh Oai về Hà Đông, Công an quận Hà Đông đã thực hiện đúng quy trình, ông Tuấn không có thắc mắc gì. Ông Tuấn làm đơn thắc mắc qua email tới Cục kiểm soát thủ tục hành chính nhằm mục đích hỏi thủ tục, không phải thắc mắc với cơ quan Công an.
2. Đối với trường hợp bà Đào Thị Tâm, sinh 1959 ở Ý Yên, Nam Định.
Năm 1984, bà Tâm từ quê lên chùa Giấy ở xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội để đi tu. Quá trình ở Đa Tốn, bà Tâm chưa đến làm thủ tục đăng ký hộ khẩu tại Công an huyện Gia Lâm lần nào. Sổ hộ khẩu ở chùa Giấy từ trước đến năm 2002 chỉ có 2 nhà sư là Đàm Thị Huế (sinh năm 1909 đã chết năm 1997) và Đàm Thị Thuyết (sinh năm 1923 đã chết năm 2002). Hiện chùa Giấy ở xã Đa Tốn không còn ai đăng ký hộ khẩu ở đây vì 02 nhân khẩu trên chết đã xóa tên (bà Tâm cũng công nhận như vậy). Việc trong sổ theo dõi nhân, hộ khẩu của xã có tên bà Tâm nhưng đã bị gạch tên từ năm 1993 là do đội trưởng sản xuất của xã tự viết vào (theo trình bày của xã là đội sản xuất ghi thực tế người đang ở, kể cả người đã đăng ký và người chưa đăng ký). Việc thiết lập sổ danh sách hộ, nhân khẩu ở xã Đa Tốn chỉ để phục vụ theo dõi quản lý cư trú thực tế tại địa phương, sổ này không có chứng cứ pháp lý về việc đã giải quyết đăng ký hộ khẩu thường trú.
Việc bà Tâm có đơn đề nghị được cấp sổ hộ khẩu tại chùa Giấy, xã Đa Tốn, Công an huyện Gia Lâm đã có công văn trả lời và hướng dẫn bà làm thủ tục để nộp Công an huyện xem xét giải quyết nhưng bà Tâm không hợp tác mà tiếp tục yêu cầu là tự Công an huyện và xã phải giải quyết cho bà.
Như vậy, đơn thư của bà Đào Thị Tâm trình bày là chưa đúng sự thật vì bà Tâm chưa được Công an huyện Gia Lâm giải quyết đăng ký cấp sổ hộ khẩu lần nào. Sau khi có đơn, Công an huyện đã trả lời và phối hợp với Công an xã hướng dẫn nhiều lần nhưng bà Tâm không hợp tác để làm thủ tục đăng ký hộ khẩu đến. Việc xã Đa Tốn, Gia Lâm mở sổ theo dõi hộ khẩu vào tên bà Tâm chỉ để theo dõi quản lý nhân, hộ khẩu nên không phải là căn cứ để cấp sổ hộ khẩu. Do đó, Công huyện mời bà Tâm lên tiếp tục hướng dẫn; nếu bà không làm đủ thủ tục hồ sơ đăng ký thường trú thì làm thủ tục giải quyết đăng ký tạm trú để
quản lý./.