Hỏi đáp trực tuyến

Xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, tham nhũng

Người gửi: Cử tri tỉnh Phú Yên, Lâm Đồng, Quảng Ngãi

Cử tri cho rằng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa đạt kết quả cao, đề nghị Chính phủ cần kiên quyết, chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, nhất là đối với các vụ việc xảy ra tại các tập đoàn kinh tế lớn như Vinashin, Vinalines, các vụ việc có liên quan đến hoạt động ngân hàng...

Ngày hỏi: 28/11/2017 Lượt xem: 7857

Câu trả lời

Trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, có nhiều quyết sách quan trọng nhằm tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, qua việc ban hành và triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4, 5 (khóa XI) đã cho thấy quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, do đó, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được mong mỏi của quần chúng nhân dân. Tình hình tội phạm tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, nhất là trong các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai và trong các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, như vụ Vinashin, Vinalines...

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lực lượng Công an đã tập trung chỉ đạo chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tội phạm về môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao; năm 2012, đã phát hiện 891 vụ vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ, tăng 189,29%; 1.936 đối tượng, tăng 200,62% so với năm 2011. Đáng chú ý, đã tiếp tục khởi tố một số vụ án về tham nhũng xảy ra tại Vinashin, như vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Container quốc tế (CAS) thuộc Tập đoàn Vinashin ở Hải Dương; vụ tham ô tài sản, cố ý làm trái xảy ra tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; vụ tham ô, tham nhũng xảy ra ở Công ty xây lắp dầu khí; vụ tham nhũng ở Công ty dệt kim Đông Phương và chi nhánh 6 Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thành phố Hồ Chí Minh; vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Hà Nội; vụ tham nhũng ở chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng; vụ Nguyễn Đức Kiên lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép và đồng phạm cùng Trần Xuân Giá - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Lý Xuân Hải - Tổng Giám đốc ngân hàng ACB phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổ chức truy bắt bị can Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines bỏ trốn...

Quá trình đấu tranh với tội phạm tham nhũng, Cơ quan điều tra gặp phải một số khó khăn, vướng mắc sau:

- Các vụ án tham nhũng rất phức tạp, liên quan đến chủ thể là những người có chức vụ, quyền hạn, phương thức thủ đoạn phạm tội rất tinh vi; có mối quan hệ xã hội rộng; có kiến thức chống lại các biện pháp phát hiện, đấu tranh của các cơ quan bảo vệ pháp luật, cho nên công tác phát hiện, điều tra, xử lý rất khó khăn và phải thực hiện rất thận trọng.

- Các vụ án tham nhũng được khởi tố chủ yếu từ công tác nắm tình hình và xác minh của Cơ quan điều tra. Các cơ quan giám sát, cơ quan quản lý cấp trên, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp Nhà nước cũng không tự mình phát hiện được vụ tham nhũng lớn nào chuyển Cơ quan điều tra.

- Việc điều tra các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài gặp nhiều khó khăn vì Việt Nam chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều quốc gia, do đó công tác điều tra chủ yếu dựa trên quan hệ có đi có lại giữa các cơ quan tư pháp các nước; việc ủy thác điều tra và tiếp nhận kết quả ủy thác điều tra phải phụ thuộc vào nước ngoài nên công tác điều tra bị kéo dài.

- Hệ thống các quy định pháp luật hình sự về xử lý tội phạm tham nhũng còn thiếu và chưa đồng bộ, không thống nhất, nhất là các hướng dẫn của các cơ quan chức năng, từ đó dẫn đến cách hiểu và vận dụng khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

- Thời gian để có kết quả trưng cầu giám định tư pháp trong các vụ án tham nhũng thường kéo dài dẫn đến thời gian điều tra vụ án cũng bị kéo dài.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, Bộ Công an tập trung chỉ đạo thực hiện một số công tác trọng tâm sau:

- Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với Đảng và Nhà nước, đồng thời chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Chương trình hành động của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng; Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.

- Tham mưu, đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm tham nhũng và tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng, trước mắt tập trung:

+ Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự, Luật phòng, chống tham nhũng theo hướng cho phép Cơ quan điều tra được tiến hành các biện pháp ngăn chặn cần thiết và các biện pháp nghiệp vụ trinh sát khi có tài liệu đối tượng tham nhũng trước khi khởi tố bị can như trong đấu tranh với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm về ma túy được quy định Luật An ninh quốc gia, Luật Phòng, chống ma túy.

+ Sớm ban hành hướng dẫn áp dụng Chương XXI, Mục A, Bộ Luật hình sự năm 1999 quy định các tội phạm tham nhũng; lượng hoá cụ thể các tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; hướng dẫn áp dụng các tình tiết dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm, lợi ích vật chất khác, số lượng lớn, giá trị lớn, tư lợi hoặc động cơ cá nhân khác; xác định hành vi phạm tội của các tội phạm xâm phạm tài sản trong các doanh nghiệp có cổ phần của Nhà nước.

+ Nghiên cứu sửa đổi Điều 7 Luật Báo chí theo hướng Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa xã hội đối với tội phạm tham nhũng, đặc biệt là phối hợp trong việc nắm tình hình, điều tra cơ bản, phát hiện sớm các hành vi tham nhũng tiêu cực, tiếp nhận kịp thời tin báo, tin tố giác về tội phạm tham nhũng; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin địa chúng về chủ trương, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm tham nhũng.

- Tiếp tục chỉ đạo lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng tăng cường công tác phòng ngừa nghiệp vụ, điều tra cơ bản, nắm tình hình, phát hiện tội phạm tham nhũng trong tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội, đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng lớn; tăng cường phối hợp với Viện Kiểm sát và Tòa án nhân dân các cấp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng./.

Người trả lời: Bộ Công an