Dự thảo Tờ trình về việc ban hành Thông tư quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông cho biết, qua 07 năm thực hiện, Thông tư số 26/2017/TT-BCA cơ bản vẫn còn phù hợp, đảm bảo với tình hình thực tế. Tuy nhiên, phát sinh một số vấn đề bất cập cần bổ sung, cập nhật phù hợp với thực tiễn, cụ thể như sau:
(1) Thông tư số 26/2017/TT-BCA chưa quy định chi tiết về việc phân công, phân cấp công tác chỉ huy, điều khiển giao thông; việc sử dụng loa hướng dẫn, nhắc nhở người tham gia giao thông chấp hành quy tắc giao thông và người điều khiển giao thông tại một số điểm, nút giao phức tạp, tầm nhìn che khuất, lưu lượng đông.
(2) Do tổ chức giao thông, điều kiện hạ tầng giao thông và kiến trúc tại các đơn vị, địa phương khác nhau nên việc quy định cụ thể về hình dáng, kích thước và vị trí đặt bục điều khiển giao thông và ô che mưa nắng tại các nút giao thông sẽ gây cản trở lớn trong việc lưu thông các dòng phương tiện, khó khăn trong việc di chuyển bục và bảo quản các thiết bị này.
(3) Với trình độ khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng, việc ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ trong công tác chỉ huy, điều khiển giao thông là rất cần thiết, nhất là việc kết nối với các trung tâm điều hành, giám sát giao thông và các thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông; vận hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông,...
Từ những nội dung nêu trên cho thấy, việc ban hành Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (thay thế Thông tư số 26/2017/TT-BCA) là rất cần thiết.
|
Cảnh sát giao thông chỉ huy, điều khiển giao thông. |
Theo đó, dự thảo Thông tư này gồm 04 Chương 23 Điều quy định về yêu cầu, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn, trang thiết bị, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ; nguyên tắc, phương thức, trình tự chỉ huy, điều khiển giao thông; phân công, phân cấp trong công tác chỉ huy, điều khiển giao thông; quản lý, vận hành, khai thác hệ thống đèn tín hiệu giao thông; sử dụng thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông; trách nhiệm của các lực lượng phối hợp chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết một số trường hợp cụ thể trong khi làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.
Đối tượng áp dụng bao gồm: Sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; Công an các đơn vị, địa phương; Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đáng chú ý, dự thảo Thông tư đã quy định về việc giải quyết một số trường hợp cụ thể trong khi làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông, gồm 6 Điều (từ Điều 16 đến Điều 21). Trong đó, quy định rõ về giải quyết các vụ ùn tắc giao thông; chỉ huy điều khiển giao thông khi xảy ra tai nạn giao thông; giải quyết trường hợp người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông; xe ô tô dừng, đỗ gây ùn tắc giao thông; giải quyết trường hợp xảy ra lũ, lụt, sự cố khác làm cản trở giao thông; giải quyết trường hợp xảy ra vụ gây rối trật tự công cộng làm cản trở đến trật tự, an toàn giao thông…
Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.