Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao.
Tại Điều 7 của Nghị định này, quy định về biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao.
Theo đó, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển dao có tính sát thương cao phải thực hiện theo quy định sau đây:
Khi sản xuất dao có tính sát thương cao phải đóng, khắc nhãn hiệu, ký hiệu hoặc tên cơ sở sản xuất trên sản phẩm; quá trình sản xuất phải quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường; sản phẩm dao có tính sát thương cao phải được bọc kín, đóng gói hoặc đóng thùng;
|
Lực lượng Công an thu giữ súng và một số loại vũ khí tự chế (Ảnh minh họa). |
Bán, giới thiệu sản phẩm dao có tính sát thương cao tại địa điểm cố định phải cất giữ trong tủ, khay hoặc giá; trường hợp bán dao có tính sát thương cao không có địa điểm cố định thì phải được bọc kín, đóng gói hoặc có biện pháp cất giữ, bảo quản chặt chẽ, an toàn;
Việc xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại; sản phẩm dao có tính sát thương cao phải có nguồn gốc, xuất xứ hoặc trên sản phẩm có nhãn hiệu, ký hiệu hoặc tên cơ sở sản xuất;
Khi vận chuyển dao có tính sát thương cao để kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phải đóng gói, đóng thùng, chằng buộc chắc chắn bảo đảm không để rơi, mất, thất lạc trong quá trình vận chuyển;
Quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển dao có tính sát thương cao bị mất, thất lạc tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phải thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất.
Cá nhân khi vận chuyển, mang dao có tính sát thương cao để sử dụng trong lao động, sản xuất, sinh hoạt phải được bọc hoặc cất giữ, quản lý bảo đảm an toàn; mang dao có tính sát thương cao vào nơi công cộng phải được bọc hoặc cất giữ, bảo quản chặt chẽ; việc sử dụng phải có biện pháp quản lý, bảo quản chặt chẽ, không để người khác lợi dụng sử dụng vào mục đích trái pháp luật.
Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao phải có trách nhiệm thực hiện đúng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Theo Nghị định, muốn kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí phải đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Điều 9 như sau:
Tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng kinh doanh vũ khí phải được Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ kinh doanh vũ khí; trường hợp tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vũ khí quân dụng phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
Người quản lý, người có liên quan trực tiếp đến kinh doanh vũ khí phải được huấn luyện về quản lý vũ khí và nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy; kho, nơi cất giữ, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh phải phù hợp, bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường trong quản lý, bảo quản, vận chuyển vũ khí.
Tổ chức, doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí phải là tổ chức, doanh nghiệp được phép kinh doanh vũ khí và được Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp được kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí tại Điều 11 như sau:
Chỉ được kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí theo giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp; vũ khí phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chủng loại, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu, nước sản xuất, năm sản xuất đối với từng loại vũ khí.
Duy trì thường xuyên các điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí.
Nghị định cũng dành cả Chương III để quy định về đào tạo, huấn luyện, cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; huấn luyện, cấp chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.
Theo đó, đối tượng đào tạo, huấn luyện, cấp giấy chứng nhận sử dụng, vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; huấn luyện, cấp chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ được quy định tại Điều 12 như sau:
Người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công an phải được đào tạo, huấn luyện và cấp Giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ. Trường hợp là huấn luyện viên, vận động viên sử dụng vũ khí thể thao để luyện tập, thi đấu thể thao thì được miễn huấn luyện về kỹ năng sử dụng.
Người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải được huấn luyện và cấp Chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 23 (khoản 2 của Điều 23 quy định như sau: Quy định tại Điều 9, Điều 10 và Điều 11 Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/7/2025; quy định tại Điều 7 Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.).