Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

13/01/2025
Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Nghị định được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở kế thừa các Nghị định hướng dẫn Luật phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, chỉnh lý, sửa đổi một số nội dung để phù hợp với các chính sách pháp luật mới được quy định trong Luật PCCC và CNCH như quy định về điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh; việc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, phân công trách nhiệm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, bổ sung những quy định để khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc triển khai thực hiện pháp luật về PCCC và CNCH.

 



Theo đó, dự thảo Nghị định gồm 08 chương, 47 điều và 07 phụ lục (kèm theo); quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, việc xây dựng, bố trí lực lượng, phương tiện, bảo đảm điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy khi lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn

Dự thảo Nghị định quy định một số yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy khi lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn gồm:

1. Quy hoạch phân khu của một thành phố, huyện, thị xã phải thể hiện vị trí ô đất, quy mô dự kiến bố trí các trụ sở đơn vị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bảo đảm bán kính phục vụ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.

2. Trường hợp không có quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật quy hoạch về đô thị và nông thôn thì trong quy hoạch chung phải thể hiện các nội dung bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Đối với quy hoạch chi tiết đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp, khu chức năng khác thì các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm đúng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Đối với địa điểm cho đơn vị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm diện tích xây dựng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

Nội dung phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phương án cứu nạn, cứu hộ

Về nội dung phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phương án cứu nạn, cứu hộ, dự thảo Nghị định quy định như sau:

1. Phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ do người đứng đầu cơ sở xây dựng bảo đảm các nội dung sau đây: a) Thông tin về cơ sở: Tên cơ sở, địa điểm hoạt động, người đứng đầu cơ sở, số điện thoại liên hệ, thống kê lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại chỗ của cơ sở, nguồn nước phục vụ chữa cháy trong cơ sở; hướng dẫn sử dụng xe chữa cháy, máy bơm chữa cháy; trạm bơm thuộc hệ thống cấp nước chữa cháy (nếu có); b) Đánh giá tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc, tai nạn, sự cố và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong cơ sở; sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy của cơ sở thể hiện đường, lối thoát nạn, vị trí bố trí phương tiện, thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, vị trí trụ, bể, bến lấy nước chữa cháy theo từng khu vực, hạng mục công trình trong cơ sở; c) Số điện thoại báo cháy, báo tình huống tai nạn, sự cố 114, số điện thoại của các cơ quan: Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan Công an trực tiếp quản lý cơ sở, điện lực, y tế, cấp nước; trình tự báo cháy; d) Giả định một số tình huống cháy, tai nạn, sự cố xảy ra trong và ngoài giờ làm việc tại nơi tập trung đông người, khu vực, hạng mục, công trình có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn, sự cố; dự kiến lực lượng, phương tiện tại chỗ được sử dụng; trình tự, biện pháp thoát nạn, tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp với từng tình huống cháy, tai nạn, sự cố. Đối với các cơ sở có nhiều khu vực, hạng mục, công trình có tính chất hoạt động, đặc điểm, công năng sử dụng tương tự nhau thì lựa chọn một khu vực, hạng mục, công trình đặc trưng để giả định tình huống cháy, sự cố, tai nạn; đ) Những vấn đề cần lưu ý khi tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với chất, hàng hoá nguy hiểm về cháy, nổ được bảo quản, sử dụng trong cơ sở; e) Phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được xây dựng theo Mẫu số PC08 kèm theo Nghị định này;

2. Phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ do chủ phương tiện giao thông xây dựng bảo đảm các nội dung sau đây: a) Thông tin về phương tiện giao thông: Loại phương tiện, chủ phương tiện/người điều khiển phương tiện, số điện thoại liên hệ, thống kê lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên phương tiện giao thông; hướng dẫn sử dụng máy bơm chữa cháy, hệ thống cấp nước chữa cháy (nếu có); b) Số điện thoại báo cháy, báo tình huống tai nạn, sự cố 114, số điện thoại của cơ quan quản lý trực tiếp; trình tự báo cháy; c) Giả định một số tình huống cháy, tai nạn, sự cố xảy ra; dự kiến lực lượng, phương tiện tại chỗ được sử dụng; trình tự, biện pháp thoát nạn, tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp với từng tình huống cháy, tai nạn, sự cố; sơ đồ chỉ dẫn đường, lối thoát nạn, vị trí bố trí phương tiện, thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo từng khu vực trên phương tiện giao thông; d) Những vấn đề cần lưu ý khi tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với chất, hàng hoá nguy hiểm về cháy, nổ được vận tải; đ) Phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được xây dựng theo Mẫu số PC09 kèm theo Nghị định này.

3. Phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ do cơ quan Công an xây dựng đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ theo địa bàn được phân công thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bảo đảm các nội dung sau đây: a) Thông tin về cơ sở: Tên cơ sở, địa điểm hoạt động, người đứng đầu cơ sở, số điện thoại liên hệ, thống kê lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại chỗ của cơ sở, giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy trong và ngoài cơ sở; b) Sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy của cơ sở thể hiện đường, lối thoát nạn, vị trí bố trí phương tiện, thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, vị trí trụ, bể, bến lấy nước chữa cháy theo từng khu vực, hạng mục công trình trong cơ sở; c) Số điện thoại của các cơ quan: điện lực, y tế, cấp nước, giao thông, môi trường, Uỷ ban nhân dân cấp xã, lực lượng, người cần huy động để tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; d) Đánh giá tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc, tai nạn, sự cố và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong cơ sở; đ) Giả định tình huống cháy phức tạp nhất và một số tình huống cháy đặc trưng, tình huống tai nạn, sự cố đặc trưng có thể xảy ra trong cơ sở, diễn biến của đám cháy, tai nạn, sự cố theo các giai đoạn khác nhau; e) Dự kiến huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, tổ chức chỉ huy, chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và các công việc phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp với từng giai đoạn của mỗi tình huống cháy, tai nạn, sự cố trong cơ sở; g) Phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được xây dựng theo Mẫu số PC10 kèm theo Nghị định này.

4. Phương án cứu nạn, cứu hộ do cơ quan Công an xây dựng đối với các tình huống quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với địa bàn quản lý và phải bảo đảm các yêu cầu, nội dung sau đây: a) Đánh giá những đặc điểm tình huống tai nạn, sự cố, yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động cứu nạn, cứu hộ tại các khu vực giả định xảy ra tai nạn, sự cố; b) Dự kiến tình huống, diễn biến tai nạn, sự cố; c) Dự kiến huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện của cơ quan Công an, tổ chức chỉ huy, áp dụng phương pháp, biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật cứu nạn, cứu hộ và các công việc phục vụ cứu nạn, cứu hộ phù hợp với tình huống tai nạn, sự cố; d) Đối với mỗi tình huống tai nạn, sự cố quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, cơ quan Công an phải xây dựng thành một phương án cứu nạn, cứu hộ. Phương án cứu nạn, cứu hộ được xây dựng theo Mẫu số PC11 kèm theo Nghị định này.

5. Người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông, cơ quan Công an có trách nhiệm cập nhật, bổ sung, chỉnh lý phương án đã xây dựng khi có thay đổi một trong những nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều này.

Quy định tổ chức, hoạt động và chế độ bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng quy định tổ chức, hoạt động và chế độ bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở; lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành, cụ thể như sau:

1. Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành gồm các thành viên: Đội trưởng, Đội phó và đội viên.

2. Người đứng đầu cơ sở ban hành quyết định thành lập, phân công nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cụ thể cho thành viên Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành kèm theo danh sách thành viên.

3. Việc phân công người tham gia Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở được quy định như sau: a) Cơ sở có từ 10 người đến 50 người thường xuyên làm việc thì phân công tối thiểu 10 người tham gia Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, trong đó có 01 Đội trưởng; b) Cơ sở có trên 50 người đến 100 người thường xuyên làm việc thì phân công tối thiểu 15 người tham gia Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, trong đó có 01 Đội trưởng và 01 Đội phó; c) Cơ sở có trên 100 người thường xuyên làm việc thì phân công tối thiểu 25 người tham gia Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, trong đó có 01 Đội trưởng và 02 Đội phó.

4. Việc phân công người tham gia Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này và phải bảo đảm duy trì đủ số người trực để vận hành, sử dụng xe chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được trang bị tại cơ sở trong một ca trực.

5. Cơ sở có nhiều cơ quan, tổ chức cùng hoạt động hoặc các cơ sở nằm trong cùng một khuôn viên, liền kề nhau do một cơ quan, tổ chức quản lý, vận hành có thể thành lập một Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở hoặc một Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành.

Toàn văn dự thảo Nghị định được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến của nhân dân trong thời gian 60 ngày. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến chi tiết tại đây.
 

 

Lê Hòa
Tìm kiếm