Theo đó, Thông tư này quy định việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của lực lượng Công an nhân dân.
Nội dung phản ánh, kiến nghị
Các nội dung phản ánh về các quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an bao gồm: Vướng mắc, khó khăn trong thực hiện quy định hành chính do hành vi của đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an theo quy định; Sự không hợp pháp, không phù hợp, không đồng bộ, không thống nhất của quy định hành chính theo quy định; Quy định hành chính trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; Những vấn đề khác liên quan đến quy định hành chính.
Các nội dung kiến nghị về các quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an bao gồm: Cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp phương án xử lý đối với các nội dung phản ánh về các quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an nêu trên; Sáng kiến ban hành mới quy định hành chính liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
|
Ảnh minh họa. |
Cơ quan tiếp nhận phản ánh, kiến nghị
Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp giúp Bộ trưởng tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Phòng Cải cách thủ tục hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an là đơn vị trực tiếp giúp Cục trưởng tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Phòng Tham mưu; các phòng có chức năng giải quyết thủ tục hành chính Công an các đơn vị, địa phương là đơn vị trực tiếp giúp Thủ trưởng, Giám đốc Công an các đơn vị, địa phương tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an trên địa bàn.
Đối với hình thức phản ánh, kiến nghị thông qua Phiếu lấy ý kiến, Công an đơn vị, địa phương nào gửi Phiếu lấy ý kiến thì Công an đơn vị, địa phương đó có trách nhiệm tiếp nhận. Công an đơn vị, địa phương muốn lấy ý kiến cá nhân, tổ chức phải thực hiện quy trình: Xác định các nội dung cần lấy ý kiến trong Phiếu lấy ý kiến; Xác định cá nhân, tổ chức cần lấy ý kiến; Lập Phiếu lấy ý kiến; Xác định cách thức gửi và nhận Phiếu lấy ý kiến đến tổ chức, cá nhân theo quy định.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng quy định về việc tiếp nhận, phân loại phản ánh, kiến nghị; xử lý phản ánh, kiến nghị cũng như trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn và chế độ thông tin báo cáo; các điều kiện khác để đảm bảo thi hành Thông tư này.
Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.