Quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông

27/11/2024
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 72/2024/TT-BCA, ngày 13/11/2024 quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông. Thông tư gồm 03 chương, 29 điều và 17 biểu mẫu ban hành kèm theo.
Thông tư này quy định việc tổ chức tiếp nhận, xử lý tin báo và giải quyết ban đầu về tai nạn giao thông đường bộ; nội dung, biện pháp điều tra, xác minh, giải quyết về tai nạn giao thông đường bộ và thống kê tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.


Xử lý tin báo về tai nạn giao thông đường bộ

Theo đó, Thông tư quy định xử lý tin báo về tai nạn giao thông đường bộ theo phân cấp, tuyến, địa bàn, cụ thể:

Lãnh đạo trực chỉ huy thuộc Cục Cảnh sát giao thông nhận được tin báo về tai nạn giao thông đường bộ thì xử lý như sau: Nếu tin báo vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trên tuyến được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm phải cử cán bộ Cảnh sát giao thông đến ngay hiện trường để xác minh có xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ hay không; trường hợp có vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra thì tùy theo tính chất, mức độ của vụ tai nạn giao thông đường bộ để chỉ đạo, bố trí lực lượng tham gia, phối hợp cứu nạn, cứu hộ, hạn chế thiệt hại do vụ tai nạn giao thông đường bộ gây ra; bảo vệ hiện trường, khám nghiệm hiện trường, phân luồng điều tiết giao thông, phòng ngừa, giải quyết ùn tắc, đồng thời cảnh báo cho các phương tiện tham gia giao thông khác những mối nguy hiểm khi lưu thông qua khu vực hiện trường. Thông báo cho Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ biết hoặc yêu cầu phối hợp điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ theo quy định.

Nếu tin báo vụ tai nạn giao thông đường bộ không xảy ra trên tuyến được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thì thông báo cho trực ban Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ để xử lý tin báo theo quy định, đồng thời thông báo cho trực ban Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh, nếu vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trên tuyến tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thuộc Phòng Cảnh sát giao thông để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Thông tư này.

Lãnh đạo trực chỉ huy thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh nhận được tin báo về tai nạn giao thông đường bộ thì xử lý như sau: Nếu tin báo vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trên tuyến được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Nếu tin báo vụ tai nạn giao thông đường bộ không xảy ra trên tuyến được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thì thông báo cho trực ban Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ để xử lý tin báo; đồng thời thông báo cho trực ban Cục Cảnh sát giao thông, nếu vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trên tuyến tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của Cục Cảnh sát giao thông để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Thông tư này.

Lãnh đạo trực chỉ huy thuộc Công an cấp huyện nhận được tin báo về tai nạn giao thông đường bộ thì xử lý như sau: Nếu tin báo vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trên tuyến, địa bàn được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm phải cử cán bộ Cảnh sát giao thông đến ngay hiện trường để kiểm tra, xác minh tin báo vụ tai nạn giao thông đường bộ, nếu có vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra thì thực hiện nhiệm vụ điều tra, xác minh, giải quyết theo quy định.

Trường hợp vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trên tuyến được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thuộc Cục Cảnh sát giao thông hoặc Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh hoặc thuộc địa bàn của Công an cấp huyện khác thì thông báo cho trực ban đơn vị được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến hoặc địa bàn xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ biết để thực hiện nhiệm vụ điều tra, xác minh, giải quyết theo thẩm quyền và phối hợp điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ theo quy định.

Trường hợp vụ tai nạn giao thông đường bộ có tình tiết phức tạp; làm chết từ 03 người trở lên; gây ùn tắc giao thông kéo dài liên tuyến, liên địa bàn, liên tỉnh; gây thảm họa hoặc cần thiết phải có sự phối hợp cứu nạn, cứu hộ, điều tiết, giải quyết ùn tắc giao thông của Công an nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì cơ quan, đơn vị nhận được tin báo vụ tai nạn giao thông đường bộ xử lý như sau:

Vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trên tuyến do Cục Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm phải thông báo Giám đốc Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông phối hợp giải quyết.

Vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trên tuyến tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh phải báo cáo ngay Giám đốc Công an cấp tỉnh (qua Phòng Tham mưu) và báo cáo Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát giao thông) để chỉ đạo giải quyết; đồng thời thông báo ngay cho Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ để phối hợp giải quyết.

Vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trên tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của Công an cấp huyện phải báo cáo ngay Giám đốc Công an cấp tỉnh (qua Phòng Tham mưu và Phòng Cảnh sát giao thông công an cấp tỉnh) và báo cáo Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát giao thông) để chỉ đạo giải quyết.

Tạm giữ, xử lý phương tiện, đồ vật, tài liệu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề của người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ để điều tra, xác minh, giải quyết

Thông tư quy định việc tạm giữ phương tiện, đồ vật, tài liệu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề của người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ được thực hiện theo quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các quy định khác có liên quan. Đối với trường hợp các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông đã được tích hợp trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên Ứng dụng định danh quốc gia khi tạm giữ giấy tờ, Cảnh sát giao thông thực hiện việc tạm giữ giấy tờ trên môi trường điện tử.

Trước khi kéo dài thời hạn tạm giữ phương tiện, đồ vật, tài liệu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề của người điều khiển phương tiện, cán bộ được phân công điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ phải báo cáo đề xuất kéo dài thời hạn tạm giữ theo Mẫu số 10/TNĐB ban hành kèm theo Thông tư này.

Việc xử lý phương tiện, đồ vật, tài liệu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề của người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ được thực hiện theo quy định tại Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các quy định khác có liên quan.

Sau khi kết thúc khám nghiệm phương tiện giao thông, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi và không vi phạm các quy định khác của pháp luật thì phương tiện giao thông phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện. Nghiêm cấm việc giữ phương tiện giao thông của các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông để làm căn cứ giải quyết bồi thường thiệt hại.

Thời hạn điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ

Thông tư quy định về thời gian điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ, cụ thể:

Đối với vụ tai nạn giao thông đường bộ không có dấu hiệu tội phạm thì thời hạn điều tra, xác minh, giải quyết như sau: Nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông đường bộ thì Cảnh sát giao thông phải tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc; trường hợp vụ tai nạn giao thông đường bộ có nhiều tình tiết phức tạp cần xác minh thêm hoặc phải thông qua giám định chuyên môn thì có thể được kéo dài nhưng không quá 01 tháng kể từ ngày nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông đường bộ; trường hợp cần phải có thêm thời gian để xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ thì tiếp tục được kéo dài, thời hạn kéo dài không quá 02 tháng kể từ ngày nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông đường bộ. Việc kéo dài phải được báo cáo bằng văn bản với người có thẩm quyền theo biễu Mẫu 10/TNĐB ban hành kèm theo Thông tư này.

Đối với vụ tai nạn giao thông đường bộ quy định tại điểm b khoản 8 Điều 6 Thông tư này hoặc trong quá trình điều tra, xác minh giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ quy định tại điểm c khoản 8 Điều 6 Thông tư này nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm, thì Cục Cảnh sát giao thông hoặc Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh thực hiện xác minh giải quyết theo thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2021) và Điều 9, Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2021) và Điều 12 Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2021).

Thông tư có hiệu lực từ 01/01/2025; thay thế Thông tư số 63/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông.

Đối với những vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trước ngày 01 tháng 01 năm 2025 thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 63/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông.

Xem thêm toàn văn nội dung Thông tư tại đây.

 

Duy Thanh
Các bài viết khác
Tìm kiếm