Về quy định hướng dẫn đối với việc xử lý người nước ngoài phạm tội

13/08/2010

Thời gian qua, thực hiện chủ trương, chính sách mở cửa, tăng cường quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước, nhiều văn bản về quản lý Nhà nước đã được ban hành; trong đó, văn bản quy định về thủ tục nhập cảnh đơn giản, dễ dàng hơn, tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để đầu tư, khảo sát thị trường, thăm thân, du lịch... nhằm thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ  phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, có quy định cho phép các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực giá trị 15 ngày (thị thực D) cho người nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam, không cần cơ quan, tổ chức trong nước bảo lãnh. Việt Nam đã ký Hiệp định song phương miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ với 56 nước trên thế giới; trong khối ASEAN (trừ Myanma) đã miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu phổ thông với thời hạn cao nhất là 30 ngày; mở rộng đơn phương miễn thị thực cho công dân nhiều nước...

Với chính sách thông thoáng, quy định về thủ tục nhập cảnh đơn giản và dễ dàng nên số lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam ngày càng tăng, đa dạng về thành phần, với nhiều mục đích khác nhau (hàng năm, có từ 4 - 5 triệu lượt người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; riêng năm 2009, có khoảng 3,5 triệu lượt). Hiện cả nước có khoảng 75.000 người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

Thời gian gần đây, đã xảy ra tình trạng một số người nước ngoài vào Việt Nam dưới nhiều danh nghĩa khác nhau nhằm mục đích hoạt động phạm tội. Từ ngày 01/01/2008 - 30/6/2009, cả nước xảy ra 826 vụ phạm tội có yếu tố nước ngoài liên quan đến 1.026 đối tượng (trong đó: quốc tịch Trung Quốc 593 đối tượng, Hàn Quốc 51 đối tượng, Campuchia 29 đối tượng, Iran 20 đối tượng, Lào 19 đối tượng, Thổ Nhĩ Kỳ 17 đối tượng, không rõ quốc tịch 155 đối tượng...). Hành vi phạm tội do người nước ngoài gây ra rất đa dạng (giết người, cướp tài sản, cướp giật, trộm cắp, buôn bán, vận chuyển ma túy, buôn lậu qua biên giới, vận chuyển, mua bán tiền giả, lừa đảo rút tiền ngân hàng, kinh doanh hướng dẫn du lịch trái phép, mở cơ sở chữa bệnh trái phép, hoạt động môi giới hôn nhân trái pháp luật... ); nhiều vụ với tính chất rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân. Lực lượng Công an đã khởi tố điều tra 45 vụ với 138 bị can; bắt giam, giữ 119 đối tượng gồm 18 quốc tịch liên quan đến 23 loại tội danh.

Đối với những quy định về việc xử lý người nước ngoài phạm tội: Theo quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước ta, trừ người có thân phận ngoại giao được miễn trừ trách nhiệm hình sự, còn lại chính sách xử lý về cơ bản không có sự phân biệt giữa người nước ngoài và người Việt Nam. Tuy nhiên, người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm pháp luật ở Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ở lại Việt Nam trái phép (Điều 274, Bộ luật Hình sự năm 1999) và có thể bị áp dụng hình phạt đặc thù là trục xuất. Ngày 23/8/2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2001/NĐ-CP hướng dẫn thi hành hình phạt trục xuất; trong đó, quy định cụ thể đối tượng bị trục xuất, quyền và nghĩa vụ của người bị trục xuất, trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan thi hành hình phạt trục xuất, trình tự, thủ tục thi hành hình phạt trục xuất… Hơn nữa, để bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc bảo vệ lợi ích cho công dân của quốc gia mà người phạm tội mang quốc tịch, chúng ta đã ban hành các văn bản quy định riêng, cụ thể về chế độ thông tin trong việc bắt giữ, xử lý người nước ngoài phạm tội cho cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của quốc gia đó (Chỉ thị số 21/2000/CT-TTg ngày 16/10/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc thông báo và tiếp xúc lãnh sự đối với công dân nước ngoài và người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài bị bắt, tạm giữ, tạm giam hoặc đang thi hành án phạt tù tại Việt Nam, Thông tư số 01/TTLT ngày 08/9/1988 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao hướng dẫn điều tra, xử lý các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do người, phương tiện giao thông nước ngoài gây ra…).

Thực tiễn, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm là người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, đó là:
- Một số nước, ta chưa ký kết hiệp định hợp tác hoặc dẫn độ tội phạm nên khi phát hiện công dân của nước họ phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam rất khó xử lý.
- Các điều kiện đảm bảo cho công tác điều tra, xử lý người nước ngoài phạm tội chưa đáp ứng yêu cầu (nơi giam giữ, phiên dịch, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, kinh phí…). Đối với các đối tượng gốc Phi tại Tp. Hồ Chí Minh, phần lớn là nhập cảnh trái phép và cư trú lỳ, việc trục xuất gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến vấn đề đối ngoại và nhân quyền.
- Phương tiện, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng người nước ngoài tinh vi, xảo quyệt, là vấn đề mới trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với số đối tượng này.
- Công tác kiểm tra, kiểm soát biên giới còn những sơ hở, thiếu tính chuyên nghiệp nên thời gian qua, nhiều đối tượng người Châu Phi đã nhập cảnh trái phép từ Cămpuchia vào nước ta. Hiện nay, theo Tổ chức di dân quốc tế thì có hàng ngàn người gốc Phi ở Thái Lan, Trung Quốc, Cămpuchia, trong đó nhiều trường hợp cư trú quá hạn. Do vậy, nếu không tiếp tục làm tốt công tác quản lý, kiểm soát biên giới sẽ có thể tái diễn tình trạng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam như trước đây.
- Một số địa phương, cơ quan, tổ chức còn chưa nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về khai báo tạm trú đối với người nước ngoài.
- Việc lưu giữ số đối tượng vi phạm để xử lý, đưa về nước rất khó khăn, nhiều đối tượng không có hộ chiếu, phải chờ sứ quán của họ kiểm tra, cấp lại (Bộ Công an chưa có nơi lưu giữ loại này; thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không quá 48 giờ), nên số đối tượng trên chủ yếu vẫn giao cho các cơ sở lưu trú quản lý. Tuy nhiên, việc giữ người nước ngoài vi phạm trong một thời gian dài để chờ đưa họ về nước (không xác định được cụ thể là bao lâu) mà không qua xét xử thì phải được thể chế thành luật; vì vậy, chưa thể triển khai ngay.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung các điều luật, quy định chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của người nước ngoài; trước mắt, nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Nghị định số 150/2005/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự và xây dựng Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Để chủ động phòng ngừa và đấu tranh với người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam, Bộ Công an đã triển khai Đề án “Công tác Công an đảm bảo an ninh trật tự sau khi Việt Nam ra nhập WTO”; chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các doanh nghiệp triển khai các phương án phòng ngừa tội phạm trong quá trình quan hệ hợp tác làm ăn với phía đối tác nước ngoài và chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác quản lý người nước ngoài từ khâu nhập cảnh đến cư trú, hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung các điều luật, quy định chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của người nước ngoài; trước mắt, nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Nghị định số 150/2005/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự và xây dựng Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
 

Các bài viết khác
Tìm kiếm