|
Đồng chí Rah Lan Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai. |
Gia Lai là tỉnh phía Bắc Tây Nguyên, có địa chính trị quan trọng về kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng; dân số hơn 1,5 triệu người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 45% với 44 dân tộc sinh sống tại 1.576 thôn, làng, tổ dân phố thuộc 220 xã, phường thị trấn/17 đơn vị hành chính cấp huyện; diện tích đứng thứ 2 toàn quốc (sau Nghệ An); đường biên giới dài khoảng 80km, tiếp giáp nhiều tỉnh, thành trọng điểm kinh tế khu vực miền Trung, Tây Nguyên và tỉnh Ratanakiri (Campuchia). Với vị trí địa lý thuận lợi như trên, là điều kiện để tỉnh Gia Lai phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm qua, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 3,96%). Tuy nhiên, do tính chất địa bàn phức tạp, từ những vấn đề lịch sử chính trị, dân tộc, tôn giáo, đến các yếu tố tiêu cực của nền kinh tế thị trường nên tình hình an ninh trật tự có những thời điểm diễn biến phức tạp. Nổi lên là hoạt động phục hồi Fulro, “Tin lành Degar” và tình trạng người dân tộc thiểu số vượt biên trái phép sang Campuchia, Thái Lan; tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được giải quyết triệt để; dịch bệnh, thiên tai, nhất là đại dịch Covid-19 ảnh hưởng và nảy sinh nhiều vấn đề liên quan an ninh trật tự; tội phạm cơ bản được kiểm soát nhưng ngày càng có xu hướng chuyển dịch về vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các loại tội phạm liên quan “tín dụng đen”, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, đánh bạc, trộm cắp tài sản; tệ nạn ma túy hoạt động tinh vi, phức tạp hơn; tai nạn giao thông tuy được kiềm chế nhưng vẫn ở mức cao, chủ yếu diễn ra ở các tuyến đường liên thôn, liên xã.
Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo quyết liệt Đảng ủy Công an tỉnh về công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Trong đó, xác định trách nhiệm và vai trò của lực lượng Công an xã là “đặc biệt quan trọng”, có tính chất then chốt quyết định thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương và là lực lượng đầu tiên, thường xuyên tiến hành công tác “dân vận” của lực lượng Công an.
|
Đồng chí Rah Lan Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cùng các đại biểu trong và ngoài Ngành Công an tham dự Hội thảo khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm củng cố, phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở" do Bộ Công an tổ chức ngày 09/2/2022. |
Trước khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã, lực lượng Công an xã bán chuyên trách thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Pháp lệnh Công an xã năm 2008, Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã; Nghị định số 27/2010/NĐ-CP ngày 24/3/2010 quy định việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết, Thông tư số 12/2010/TT-BCA ngày 08/4/2010 của Bộ Công an quy định cụ thể thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã và Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009; Thông tư số 32/2009/TT-BCA-V19 ngày 28/5/2009 của Bộ Công an quy định về chương trình bồi dưỡng, huấn luyện đối với Công an xã; Thông tư số 43/2013/TT-BCA ngày 15/10/2013 của Bộ Công an quy định về tiêu chuẩn, định mức trang bị cho Công an xã.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Công an xã bán chuyên trách cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, an ninh, trật tự tại các địa bàn cơ bản được giữ vững. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn còn một số hạn chế, nhất là trước yêu cầu của công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở trong tình hình mới, như về trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ phục vụ cho công tác còn thiếu; cơ sở vật chất, trụ sở làm việc chưa bảo đảm; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức việc củng cố lực lượng Công an xã, cũng như quán triệt, triển khai các chủ trương, chỉ đạo của cấp trên còn lúng túng; trình độ, năng lực, nhận thức của một bộ phận Công an xã bán chuyên trách còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chủ yếu là giải quyết các vụ việc đơn giản, ít phức tạp về an ninh trật tự, chưa đủ sức thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, đáng chú ý có nhiều trường hợp vi phạm quy định, quy trình công tác, thậm chí vi phạm pháp luật; cơ cấu, tổ chức thiếu đồng bộ, lực lượng Công an xã luôn biến động, một số đồng chí sau khi được đào tạo bị điều chuyển sang công việc khác; một số đồng chí xin nghỉ việc vì phụ cấp thấp; việc tuyển chọn người vào lực lượng Công an xã gặp khó khăn...
Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị định số 42/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 về xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy, Tỉnh ủy Gia Lai chỉ đạo triển khai quyết liệt, bài bản, khoa học, đến cuối năm 2021, tỉnh Gia Lai đã hoàn thành 100% tổ chức Công an xã, thị trấn chính quy với 995 cán bộ chiến sĩ tại 196/196 xã, thị trấn, tương ứng mỗi địa bàn có từ 05 Công an chính quy trở lên, với 190 Trưởng Công an xã; 269 cán bộ người dân tộc thiểu số, chiếm 27,03% tổng số cán bộ điều động; bình quân 02 cán bộ Công an xã là người dân tộc thiểu số /01 xã, thị trấn.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo Đảng ủy Công an tỉnh, các Thành ủy, Thị ủy, Huyện ủy chỉ đạo Đảng ủy Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp, hướng dẫn thành lập các chi bộ Công an xã theo đúng Quy định số 192-QĐ/TW ngày 18/5/2019 của Bộ Chính trị về tổ chức đảng trong Công an nhân dân. Đến nay, 100% Công an xã đã thành lập chi bộ, trong đó các đồng chí Trưởng Công an xã đều tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2020-2025; từ đó tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Công an xã, gắn việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương với các yêu cầu đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Cấp ủy, chính quyền địa phương không ngừng quan tâm trang cấp, hỗ trợ trang thiết bị và bảo đảm điều kiện làm việc chính quy cho lực lượng Công an xã; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức, năng lực chuyên môn cho lực lượng Công an xã để đảm đương hiệu quả chức trách, nhiệm vụ được giao. Công an tỉnh đã phối hợp các trường Công an nhân dân mở 06 lớp bồi dưỡng cho hơn 700 cán bộ, chiến sĩ Công an xã; thường xuyên chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an địa phương thường xuyên hướng dẫn, cập nhật, bổ sung kiến thức địch tình, kỹ năng nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng và giải quyết tình hình an ninh trật tự tại cơ sở cho gần 400 cán bộ, chiến sĩ theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an.
Qua gần 04 năm triển khai xây dựng Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai, chứng minh quan điểm đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả các mặt công tác công an tại địa bàn cơ sở, đóng góp vào sự nghiệp bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh từ năm 2018 đến nay, cụ thể: (1) kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền cấp xã ban hành và triển khai chương trình, kế hoạch nhằm bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở; kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cấp xã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; (2) phối hợp các lực lượng liên quan tại cơ sở bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động lớn về chính trị, kinh tế, văn hoá, thể thao, nhất là Đại hội đại biểu các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đảm bảo an ninh trật tự bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; (3) tham gia phát hiện, đấu tranh, bóc gỡ 26 điểm nhóm/351 đối tượng có các hoạt động nhen nhóm, phục hồi Fulro, “Tin lành Degar”, đưa 160 đối tượng ra kiểm điểm trước dân, phối hợp quản lý, giáo dục 1.056 đối tượng Fulro tại cộng đồng; ngăn chặn 32 trường hợp người dân tộc thiểu số có dự định vượt biên; giải quyết ổn định 28 vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, 14 vụ việc phức tạp trong tôn giáo; (4) góp phần kiềm chế tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, trong đó năm 2018 tội phạm về trật tự xã hội giảm 2,97%; năm 2019 giảm 4%; năm 2020 giảm 8,83%; năm 2021 giảm 7,32%; (5) phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức 872 lượt tuyên truyền phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các cơ quan, thôn làng, tổ dân phố, trường học với hơn 97.017 lượt người tham gia. Qua đó, nâng cao ý thức đấu tranh, phòng chống tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự của quần chúng nhân dân tại cơ sở.
Công an xã là nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc rà soát, kiểm tra, phúc tra, xây dựng Dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp Căn cước công dân được đảm bảo tiến độ. Trong thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19, lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy đã tích cực, khẩn trương thực hiện phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để rà soát, phát hiện những người liên quan đến các mốc dịch tễ, từ đó phân loại, sàng lọc kịp thời tham mưu cho Ban Chỉ đạo cùng cấp áp dụng các biện pháp cách ly phù hợp, đồng thời phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng, củng cố Công an xã, thị trấn chính quy và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở vẫn còn một số khó khăn nhất định, như: (1) Gia Lai là địa bàn rộng có 220 xã, phường, thị trấn với 1.576 thôn, làng, tổ dân phố, trong đó nhiều địa bàn cấp xã rất rộng, là nơi tập trung các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc là xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, chia cắt, đi lại khó khăn… do đó không thể bố trí đủ lực lượng Công an xã chính quy mà phải huy động, sử dụng các lực lượng quần chúng cùng phối hợp tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự để giúp lực lượng Công an chính quy chủ động, kịp thời phát hiện, giải quyết ngay tại chỗ các vụ, việc không để bị động, bất ngờ. Tuy nhiên, hiện nay việc bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở trên địa bàn chưa thống nhất (bảo vệ dân phố bố trí thành ban, tổ trên địa bàn phường; dân phòng được bố trí thành đội, tổ ở thôn, làng; Công an xã bán chuyên trách được bố trí tại các thôn, làng). Trên một địa bàn cấp xã cùng tồn tại các lực lượng quần chúng với tên gọi khác nhau (dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách) và đều do Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập, quản lý, duy trì hoạt động để cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự có tính chất tương đồng. Mặt khác, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng này được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật nên chưa đồng bộ, chồng lấn, khó khăn trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
(2) Hiện trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành 100% tổ chức Công an xã chính quy, còn 1.380 Công an xã bán chuyên trách đang tiếp tục sử dụng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự tại các thôn, làng. Để giải quyết chế độ chính sách cho lực lượng này, Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành Nghị quyết số 136/2021/NQ-HĐND ngày 25/02/2021 quy định về chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, theo đó mỗi Công an xã bán chuyên trách được hưởng phụ cấp 1,15 lần mức lương cơ sở. Tuy nhiên, thực tiễn đặt ra cần thiết phải có một văn bản quy phạm pháp luật mới để quy định thống nhất việc quản lý đối với các chức danh Công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ Công an xã được tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở.
Qua thực tiễn triển khai thực hiện xây dựng Công an xã chính quy, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là:
Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã là mô hình hiệu quả để công tác tham mưu, quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn xã được nâng cao.
Thứ hai, phải có sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo giữa Bộ Công an và cấp ủy, chính quyền địa phương, từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ và vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với việc triển khai chủ trương này.
Thứ ba, Đảng ủy, lãnh đạo Công an các cấp phải nâng cao vai trò, trách nhiệm. Trong đó Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong tổ chức thực hiện. Phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện để tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác.
Thứ tư, cần đặc biệt quan tâm công tác chọn nguồn Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã. Ưu tiên lựa chọn những đồng chí có trình độ nghiệp vụ, pháp luật, phẩm chất đạo đức tốt, có khả năng tham mưu; có năng lực tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo, phân tích, tổng hợp, nắm bắt tình hình và giải quyết vụ việc; có kỹ năng dân vận và có tinh thần trách nhiệm cao.
Thứ năm, đảm bảo các điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ để phục vụ công tác. Cấp ủy, chính quyền địa phương xã quan tâm củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng Công an chính quy tại xã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thứ sáu, thống nhất cơ sở pháp lý, duy trì các lực lượng bán chuyên trách thực hiện đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn các thôn, làng, tổ dân phố thực sự là “cánh tay nối dài” giữa lực lượng Công an xã chính quy và nhân dân tại địa bàn cơ sở, tạo thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân phục vụ nhiệm vụ bảo vệ và phát triển kinh tế - xã hội.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục tồn tại hạn chế, thời gian tới tỉnh Gia Lai tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh, các tổ chức cơ sở đảng triển khai có hiệu quả các quy định hiện hành có liên quan đến xây dựng Công an xã chính quy, cụ thể là ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 42/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về xây dựng Công an xã chính quy để áp dụng thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả.
Thứ hai, chú trọng xây dựng lực lượng Công an xã và lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở thực sự là “lực lượng tuyến đầu”, “đủ sức đảm đương các yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự” trong tình hình mới.
Thứ ba, tiếp tục duy trì bố trí lực lượng Công an xã bán chuyên trách thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở; đồng thời quan tâm chế độ chính sách hợp lý để tiếp tục phát huy kinh nghiệm, năng lực, uy tín trong công tác, không để lãng phí nguồn nhân lực, nhất là phối hợp lực lượng Công an xã chính quy triển khai hiệu quả các mặt công tác công an từ sớm, từ thôn, làng, tổ dân phố không để phức tạp, đột xuất, bất ngờ.
Thứ tư, chỉ đạo triển khai việc bổ sung, quy hoạch đất đối với Công an xã vào quy hoạch đất của địa phương; bố trí ngân sách xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc cho Công an xã và mua sắm các trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho Công an xã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tỉnh Gia Lai đề xuất Bộ Công an:
Một là, tiếp tục hoàn chỉnh quy trình đề xuất Quốc hội ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để làm căn cứ cho việc huy động, hỗ trợ và tạo điều kiện về mặt chức danh hành chính và kinh phí cho lực lượng Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng hoạt động thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo nguồn nhân lực tại cơ sở.
Hai là, nghiên cứu tham mưu, đề xuất các quy định về chế độ, chính sách đặc thù cho lực lượng Công an xã nhằm tạo động lực, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ba là, tạo điều kiện mở các lớp Đại học hệ vừa làm vừa học tại Công an tỉnh Gia Lai để đào tạo nguồn cho Công an xã.
Bốn là, tiếp tục trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ công tác chiến đấu, xây dựng lực lượng Công an xã trên địa bàn.