Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

21/05/2025
Dự thảo Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (viết tắt là GGHB LHQ) gồm 4 chương, 26 điều đang trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, mục tiêu của việc xây dựng Luật tham gia lực lượng GGHB của LHQ nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ; kịp thời thể chế hoá đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; khắc phục những tồn tại, hạn chế của quy định hiện hành; nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ huy, chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ; đảm bảo hợp lý chế độ, chính sách; rút ngắn quy trình, thủ tục pháp lý trong việc cử, điều chỉnh, rút lực lượng, nhất là rút lực lượng trong trường hợp khẩn cấp; xử lý những vấn đề phát sinh tại địa bàn.

Đồng thời, việc xây dựng Luật dựa trên những quan điểm sau: Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Quán triệt đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, trong đó có chủ trương “Tăng cường, nâng cao năng lực tham gia hoạt động GGHB LHQ” nêu tại Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 09/01/2023 của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng.
 

Cán bộ Công an Việt Nam vinh dự nhận Huy chương Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.


Thứ hai, đảm bảo quy định phù hợp với quy định của Hiến chương LHQ, các điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Thứ ba, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của Luật với hệ thống pháp luật Việt Nam; bảo đảm tính khả thi, ổn định của Luật, phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Thứ tư, bám sát 03 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật tham gia lực lượng GGHB của LHQ đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua để quy phạm hóa tại dự thảo Luật. Bảo đảm hiệu quả, thống nhất công tác quản lý nhà nước về việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ.

Thứ năm, việc xây dựng dự án Luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong những năm qua; kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm đang phù hợp tại Nghị quyết số 130/2020/QH14 về tham gia lực lượng GGHB của LHQ; khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc triển khai thực hiện tham gia GGHB của LHQ trên thực tế.

Nguyễn Dịu