Bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính nghiêm khắc của pháp luật

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV năm 2025. Dự thảo Luật đề xuất bỏ hình phạt tử hình thay thế bằng hình phạt tù chung thân không giảm án đối với 08 tội danh trong đó có Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tội vận chuyển trái phép chất ma túy là phù hợp với chủ trưởng của Đảng và đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vẫn đảm bảo tính nghiêm khắc của pháp luật.

Đối với Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh

Thực tiễn xét xử ở nước ta cho thấy, trong các vụ án về sản xuất, buôn bán hàng giả chủ yếu là giả nhãn mác, thuốc kém chất lượng, không có tác dụng chữa bệnh... rất khó xác định có gây chết người hay không để áp dụng hình phạt tử hình. Đến nay, chưa có trường hợp nào bị tuyên án tử hình về tội danh này. Bên cạnh đó, cơ chế bảo vệ người tiêu dùng chưa tạo ra hành lang hữu hiệu giúp người tiêu dùng nhận biết hàng giả, hàng thật cũng là lỗ hổng tạo điều kiện cho tội phạm này được thực hiện trên thực tế.
 

Bộ trưởng Lương Tam Quang trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.


Bởi vậy, thay vì áp dụng hình phạt tử hình để răn đe người phạm tội thì cần có các biện pháp khác để phòng ngừa như tăng cường quản lý nghiêm ngặt. Hành vi sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xét về tính nguy hiểm không trực tiếp tước đoạt mạng sống của con người, không xâm phạm an ninh quốc gia, do đó, có thể xem xét xóa bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này thay bằng hình phạt tù chung thân không giảm án vẫn đảm bảo cách ly vĩnh viễn tội phạm khỏi đời sống xã hội. 

Đối với Tội vận chuyển trái phép chất ma túy

thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy tội phạm về ma túy không ngừng gia tăng cả về tính chất, mức độ phạm tội, gia tăng cả về "cung, cầu". Riêng đối với tội phạm này, chủ trương chung là đấu tranh không khoan nhượng. Tuy nhiên, tổng kết thực tiễn, đa số người thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy là người được các đối tượng sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy thuê để vận chuyển là đồng bào dân tộc thiểu số, am hiểu pháp luật chưa cao, hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, thu lợi ít; họ chỉ là khâu trung gian bị những kẻ chủ mưu, cầm đầu lợi dụng. So sánh tương quan với tội mua bán trái phép chất ma túy và tội sản xuất trái phép chất ma túy (các tội vẫn duy trì hình phạt tử hình) thì tội vận chuyển trái phép chất ma túy có tính chất trung gian, ít nguy hiểm hơn với hành vi mua bán, sản xuất.
 

Quốc hội xem xét các nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.


Bên cạnh đó, đối với hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy để nhằm mục đích mua bán hoặc mục đích sản xuất trái phép chất ma túy thì theo quy định của pháp luật sẽ bị xử lý về tội mua bán trái phép chất ma túy hoặc sản xuất trái phép chất ma túy và 02 tội danh này theo quy định của Bộ luật Hình sự thì đều có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Qua đó, việc thay thế hình phạt tử hình bằng hình phạt chung thân không xét giảm án đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội. Ngoài ra, nhiều nước trên thế giới đã yêu cầu Việt Nam phải cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc tuyên nhưng không thi hành án tử hình đối với những vụ án về ma túy, nhưng Việt Nam chưa cam kết nên khi Việt Nam yêu cầu tương trợ tư pháp có liên quan đến án tử hình thì gần như không có phản hồi.

Nguyễn Dịu