Luật Cảnh sát cơ động tăng cường sức mạnh cho lực lượng Công an nhân dân

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) với tỷ lệ phiếu tán thành cao. Điều này không chỉ có ý nghĩa hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của lực lượng CSCĐ mà còn có ý nghĩa to lớn, đánh dấu bước chuyển mình mới của lực lượng này, góp phần tích cực hơn trong sự nghiệp bảo vệ an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
 Lực lượng Cảnh sát cơ động đã góp phần giữ vững an ninh, trật tự trong những năm qua.

 

Luật CSCĐ được ban hành nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức, hoạt động của CSCĐ phù hợp với tính chất đặc thù của lực lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Luật gồm 5 Chương 33 Điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với CSCĐ. Trong đó, tiếp tục khẳng định và làm rõ chức năng của CSCĐ trong việc làm “nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”; quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ, xác định nhiệm vụ chính của CSCĐ là “sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố”.

Bên cạnh đó, Luật CSCĐ cũng có nhiều điểm mới về tổ chức lực lượng cảnh sát cơ động, như bổ sung lực lượng kỵ binh, trung đoàn không quân Công an nhân dân,… bổ sung một số thẩm quyền cho lực lượng CSCĐ như được phép ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các thiết bị bay siêu nhẹ, được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách. Luật CSCĐ là cơ sở pháp lý hoàn chỉnh để lực lượng cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật hiệu quả hơn.

 
 
Lực lượng Cảnh sát cơ động thường xuyên tập luyện, diễn tập nâng cao sức chiến đấu.

 

Đáng chú ý, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam, nữ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, lý lịch đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định và tự nguyện phục vụ trong CSCĐ; có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ hoặc có kỹ năng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của CSCĐ là một trong những điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào CSCĐ.

Luật CSCĐ sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023.

Minh Ngân