Quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Ngày 28/11/2019, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư số 67/2019/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Thông tư gồm 03 chương 13 điều.

Theo đó, Thông tư này quy định về mục đích, nguyên tắc và nội dung thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Đối tượng áp dụng của Thông tư, gồm: Sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ Công an nhân dân (sau đây viết gọn là cán bộ, chiến sỹ); Công an các đơn vị, địa phương (sau đây viết gọn là cơ quan Công an) và Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

* Những nội dung công khai của Công an nhân dân (CAND) trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được quy định tại Điều 5, gồm:

- Công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.

- Công tác đăng ký, cấp biển số xe.

- Công tác chỉ huy, điều khiển giao thông.

- Công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông.

* Điều 7 quy định về những việc nhân dân tham gia ý kiến về hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, theo đó, nhân dân được tham gia ý kiến về những nội dung sau:

- Tham gia ý kiến về chủ trương, biện pháp và sáng kiến góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

- Tham gia ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với các văn bản phải lấy ý kiến của nhân dân theo quy định pháp luật).

- Tham gia ý kiến về quy tắc ứng xử của CAND khi làm nhiệm vụ; đề nghị biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt; kiến nghị, phản ánh các trường hợp cán bộ, chiến sỹ thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định của pháp luật khi làm nhiệm vụ.
 
* Điều 10 quy định về những việc nhân dân giám sát CAND trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, gồm những việc sau:

- Việc thi hành các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

- Việc chấp hành quy định của Bộ Công an về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ.

- Việc nhân dân giám sát CAND thực hiện các quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ.

* Hình thức giám sát của nhân dân được quy định tại Điều 11, gồm những hình thức sau đây:

- Thông qua các thông tin công khai của CAND và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng.

- Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.

- Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ.

- Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

- Ngoài ra, thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ; Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2020.