Lịch sử hình thành và phát triển của INTERPOL

02/01/2019

1914

Hội nghị Cảnh sát Hình sự quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Monaco vào năm 1914 đã đưa ra ý tưởng thành lập Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế. Tại Hội nghị này, các đại diện của lực lượng Cảnh sát và các cơ quan tư pháp đến từ 24 quốc gia đã họp bàn nhằm tìm ra các phương án hợp tác phòng, chống tội phạm, kỹ thuật nhận dạng và dẫn độ.

1923

Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất, Cảnh sát trưởng Thủ đô Viên (Áo) Johannes Schober đã gợi lại ý tưởng thành lập một tổ chức cảnh sát quốc tế. Sau đó, Ủy ban Cảnh sát Hình sự quốc tế (International Criminal Police Commission, viết tắt là ICPC) được thành lập vào tháng 9/1923 có trụ sở tại Viên, Áo.

Thông báo về các đối tượng truy nã lần đầu tiên được đăng trên Tạp chí An toàn công cộng quốc tế.

1927

Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ tư tổ chức tại Amsterdam (Hà Lan) đã ban hành một Nghị quyết, theo đó, các nước thành viên đặt đầu mối liên lạc trong chính bộ máy tổ chức của cơ quan Cảnh sát tại các nước đó. Đây là tiền thân của Văn phòng INTERPOL quốc gia (NCB) các nước hiện nay.

1930

Các Ban chuyên trách được thành lập để tập hợp các hồ sơ hình sự, hồ sơ về tiền giả và hộ chiếu giả. Công việc này được thực hiện thủ công cho đến năm 1980 khi các hồ sơ dữ liệu được tin học hóa.

1932

Quy định mới đã thêm chức danh Tổng thư ký và ông Oskar Dressler, Tư lệnh Cảnh sát Áo là người đầu tiên giữ vị trí này cho đến năm 1946.

1935

Mạng lưới phát thanh quốc tế của INTERPOL lần đầu tiên được đưa vào hoạt động giúp tổ chức có hệ thống liên lạc độc lập dành riêng cho các cơ quan Cảnh sát hình sự. Cho đến năm 1966, các trạm phát thanh đã được đặt tại 34 quốc gia thành viên và phát 90.000 thông điệp mỗi năm.

1938

Phát xít Đức chiếm quyền kiểm soát ICPC sau khi phế truất Chủ tịch đương nhiệm Michael Skubl. Hầu hết các quốc gia thành viên ngừng tham gia vào các hoạt động của ICPC và ICPC không còn tồn tại với tư cách là một tổ chức quốc tế. Đến năm 1942, dưới sự kiểm soát của Đức Quốc xã, trụ sở ICPC được di chuyển đến Berlin (Đức).

1946

Sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai kết thúc, Bỉ đã chủ trì xây dựng lại ICPC và tổ chức một cuộc họp dân chủ bầu ra Chủ tịch và Ban điều hành mới. Trụ sở ICPC được chuyển đến Paris, Pháp.

Cùng năm, ICPC đã chọn tên gọi “INTERPOL” là địa chỉ thư tín. 10 năm sau, INTERPOL trở thành tên gọi chính thức của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế.

1947

INTERPOL ban hành Thông báo đỏ đầu tiên đối với một đối tượng truy nã người Nga. Sau này, hệ thống các màu hiệu thông báo quốc tế của INTERPOL được mở rộng, bao gồm: Thông báo đỏ (thông báo về đối tượng truy nã quốc tế), Thông báo vàng (thông báo về người bị mất tích), Thông báo xanh nước biển (thông báo về các thông tin bổ sung), Thông báo đen (thông báo về các thi thể chưa được nhận dạng), Thông báo xanh lá cây (các cảnh báo và thông tin tình báo), Thông báo da cam (dự báo các mối đe dọa), Thông báo tím (thông báo về phương thức, thủ đoạn) và Thông báo đặc biệt của INTERPOL và Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc về các nhóm người và phần tử bị áp đặt lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc.

1956

ICPC trở thành Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (INTERPOL) và là một tổ chức tự chủ về kinh tế. Các hoạt động được thực hiện dựa trên kinh phí đóng góp của các nước thành viên và sự ủng hộ khác.

1958

INTERPOL xem xét việc đóng góp tài chính của các nước thành viên và thông qua các quy định tài chính.

1959

INTERPOL tổ chức Hội nghị phòng, chống vận chuyển trái phép ma túy với sự tham gia của thành viên chủ chốt của Liên Hợp quốc đã đánh dấu sự hợp tác ban đầu với các tổ chức quốc tế khác.

1963

Hội nghị khu vực đầu tiên được tổ chức tại Monrovia, Liberia.

1965

Đại hội đồng đưa ra chính sách quy định về trách nhiệm và hoạt động của các Văn phòng INTERPOL ở các nước thành viên.

1971

Liên Hợp quốc công nhận INTERPOL là tổ chức liên Chính phủ.

1972

INTERPOL đã ký thỏa thuận với Chính phủ Pháp công nhận INTERPOL là một tổ chức quốc tế.

1982

Đại hội đồng INTERPOL đã thông qua Quy định về hợp tác Cảnh sát quốc tế và kiểm soát các hồ sơ của INTERPOL do sự cần thiết phải có khung pháp lý điều chỉnh công việc liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân như tên tuổi và dấu vân tay. Đây là tiền thân của Ủy ban kiểm soát hồ sơ của INTERPOL (Commission for the Control's Files of INTERPOL) - một cơ quan giám sát độc lập được thành lập vào năm 2003.

1986

Vào ngày 16/5/1986, trụ sở Ban Tổng thư ký đặt tại khu vực Saint Cloud (thuộc Paris, Pháp) bị đặt bom bởi một nhóm cực đoan mang tên Action Directe. Một nhân viên cảnh sát bị thương và tòa nhà bị hư hại nghiêm trọng. Đến năm 1998, bốn tên cầm đầu của nhóm cực đoan đã được xác định và kết án về hành vi đánh bom trên và nhiều cuộc tấn công khác.

1989

Ban Tổng Thư ký INTERPOL chuyển về trụ sở tại Lyon, Pháp. Lúc này, số quốc gia thành viên của INTERPOL là 150.

1990

INTERPOL đưa hệ thống liên lạc X.400 vào hoạt động cho phép các Văn phòng INTERPOL tại các quốc gia thành viên có thể gửi tin điện tử cho nhau và gửi đến Ban Tổng thư ký.

1991

Ngày 04/11/1991, tại Kỳ họp Đại hội đồng INTERPOL lần thứ 61 tổ chức tại Uruguay, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 156 của INTERPOL.

1992

Công cụ tìm kiếm tự động để tra cứu từ xa cơ sở dữ liệu của INTERPOL được giới thiệu.

1993

INTERPOL thành lập đơn vị nghiên cứu mối liên hệ giữa các nghi phạm, tội phạm và địa điểm hoạt động để từ đó xác định phương thức hoạt động và đưa ra các cảnh báo.

1995

Đại Hội đồng INTERPOL thông qua văn bản hướng dẫn về việc thành lập và hoạt động của các Văn phòng INTERPOL khu vực.

1999

Tiếng Ả-rập chính thức được coi là một trong 4 ngôn ngữ chính thức của tổ chức INTERPOL. Các ngôn ngữ chính thức gồm: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Tây Ban Nha và Tiếng Ả-rập.

2000

Lần đầu tiên INTERPOL đưa vào sử dụng Hệ thống nhận dạng vân tay tự động (Automatic Fingerprint Identification System), góp phần giảm thiểu đáng kể thời gian kiểm tra vân tay bằng phương pháp truyền thống.

2002

INTERPOL đưa hệ thống thông tin liên lạc được bảo mật (Hệ thống I-24/7) vào hoạt động. Ngày nay, Hệ thống này là xương sống của tất cả các kênh liên lạc bảo mật của INTERPOL và giúp các NCB có thể tiếp cận hệ thống cơ sở dữ liệu và dịch vụ của INTERPOL.

Trước tình trạng tội phạm và những kẻ khủng bố thường sử dụng hộ chiếu và thị thực giả để di chuyển, INTERPOL đã xây dựng và đưa vào hoạt động Hệ thống cơ sở dữ liệu về giấy tờ tùy thân bị mất cắp để các quốc gia thành viên có thể kiểm tra giấy tờ tùy thân của đối tượng nghi vấn một cách nhanh chóng. Hiện nay, Hệ thống đã chứa hơn 80 triệu hồ sơ dữ liệu.

INTERPOL xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu DNA (Deoxyribonucleic acid) để tra cứu sự liên kết với các đối tượng phạm tội quốc tế. Hiên nay, hơn 80 quốc gia đã cung cấp hồ sơ dữ liệu DNA thu được từ các đối tượng phạm tội và tại hiện trường vụ án. Hệ thống dữ liệu này còn dùng để xác định người mất tích hoặc chưa xác định.

2003

INTERPOL chính thức ra mắt Trung tâm Chỉ huy và Điều phối (Command and Coordination Centre) tại Trụ sở Ban Tổng Thư ký, cho phép Tổ chức hoạt động liên tục 24/7.

2004

INTERPOL thiết lập Văn phòng đại diện đặc biệt tại Liên Hợp quốc ở New York và cử đại diện đầu tiên làm việc tại đây. Các Văn phòng đại diện khác được đặt tại Liên minh Châu Âu (năm 2009), và Liên minh Châu Phi (năm 2016).

2005

INTERPOL và Liên Hợp quốc lần đầu tiên ra Cảnh báo đặc biệt đối với các cá nhân thuộc tổ chức Al Qaeda và Taliban chịu lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc.

Công nghệ mới MIND/FIND được áp dụng cho phép các cán bộ quản lý xuất nhập cảnh và hải quan của các NCB có thể trực tiếp truy cập vào Hệ thống I-24/7 của INTERPOL để kiểm tra thông tin liên quan đến đối tượng.

2007

Trung tâm tập huấn toàn cầu INTERPOL được thành lập để đào tạo, tập huấn các cán bộ thực thi pháp luật về phòng, chống tội phạm có tổ chức cũng như cách sử dụng các dịch vụ và hệ thống dữ liệu của INTERPOL.

2010

Lần đâu tiên INTERPOL triển khai Chiến dịch Infra đã quy tụ nhiều quốc gia cùng hợp tác để xác định và bắt giữ các đối tượng bỏ trốn nguy hiểm. Chiến dịch Infra hiện vẫn tiếp tục được triển khai, tập trung vào các đối tượng theo nhóm tội phạm và khu vực.

2015

Chính thức khánh thành Tổ hợp INTERPOL toàn cầu (IGCI) tại Singapore. Với Trụ sở này, INTERPOL tăng cường sự hiện diện tại Châu Á và đẩy mạnh các nghiên cứu, phát triển các công nghệ mới, đặc biệt trong tăng cường năng lực, hỗ trợ các chiến dịch và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Bản quyền: INTERPOL
Tìm kiếm