Báo cáo này được công bố trong khuôn khổ dự án ENACT nhằm tăng cường khả năng ứng phó với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của các nước Châu Phi. Báo cáo đã đưa ra bức tranh tổng quan về tình hình tội phạm của cả châu lục và 05 khu vực, từ đó nhấn mạnh mối quan hệ giữa các loại tội phạm có tổ chức khác nhau trên toàn khu vực châu Phi. Báo cáo cũng chỉ ra rằng các tổ chức tội phạm ở châu lục này có sự kết nối chặt chẽ xuyên biên giới và hoạt động bất hợp pháp ở nhiều thị trường.
Các nội dung chính của báo cáo nêu trên, gồm:
- Núp bóng xu hướng toàn cầu hóa về kinh tế, những kẻ buôn lậu đang không ngừng đa dạng hóa và kết nối hoạt động của chúng bao gồm mua bán trái phép ma túy, đưa người di cư trái phép, buôn lậu vũ khí, buôn bán động vật hoang dã, buôn lậu gỗ, buôn lậu thuốc giả. Các tổ chức tội phạm tham gia buôn bán tài sản văn hóa cũng đang tăng lên trên khắp châu lục.
- Mua bán trái phép ma túy là mối nguy cơ đang tăng lên và xuyên suốt tại châu Phi, các nhóm tội phạm ma túy đã tổ chức những mạng lưới phi pháp để liên kết các thị trường tội phạm khắp châu lục và toàn cầu. Châu Phi là nơi tiêu thụ, sản xuất và trung chuyển các chất ma túy trái phép với khoảng 18 tấn cocaine xuất phát từ Nam Mỹ trung chuyển qua Tây Phi và đưa đến châu Âu mỗi năm.
- Những người vượt biên trái phép dễ trở thành nạn nhân của hoạt động mua bán người và bạo lực và Bắc Phi là nơi trung chuyển của những người vượt biên tới châu Âu. Trong khi mọi hình thức của hoạt động mua bán người bao gồm cưỡng bức lao động và lạm dụng tình dục đều xảy ra trên châu lục này thì một số vụ việc các nạn nhân bị rao bán trên các thị trường mở hoặc là miếng mồi của những kẻ buôn bán nội tạng đã được phát hiện ở một số khu vực tại châu Phi.
- Sự phát triển công nghệ nhanh chóng của châu lục này bao gồm thương mại điện tử và công nghệ di động, dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của tội phạm mạng và các hoạt động trái phép trên mạng. Các mạng lưới tội phạm đang lợi dụng cơ sở hạ tầng IT còn yếu của châu lục với những nguy cơ về mã độc và phạm tội trên mạng xã hội. Đánh cắp thông tin cá nhân trên mạng cũng là mối quan ngại, cùng với nguy cơ những đối tượng khủng bố mua được giấy tờ giả để đi sang các quốc gia khác.
INTERPOL tham gia vào dự án ENACT để hỗ trợ Cảnh sát các nước châu Phi xây dựng những chính sách hiệu quả phòng, chống nguy cơ tội phạm có tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chia sẻ thông tin và phát triển kỹ năng điều tra.
ENACT là dự án đầu tiên bao quát toàn bộ các quốc gia châu Phi để phân tích quy mô của tội phạm có tổ chức và ảnh hưởng của nó tới an ninh, chính trị và sự phát triển. Các phân tích cung cấp thêm thông tin cho những người làm chính sách và tăng cường hợp tác thực thi pháp luật trong khu vực và tầm châu lục.
INTERPOL đã mở Văn phòng đại diện đặc biệt tại Liên minh các quốc gia châu Phi vào tháng 1 năm 2016 để tăng cường sức mạnh cho 04 Văn phòng cấp khu vực của mình tại Cameroon, Cote d’Ivoire, Kenya và Zimbabwe và Văn phòng INTERPOL của các nước thành viên khắp châu Phi.
Theo đó, báo cáo được công bố cùng thời điểm với cuộc họp giữa Tổng Thư ký INTERPOL Jurgen Stock và Chủ tịch Ủy ban Liên minh Châu Phi Moussa Faki Mahamat để thảo luận việc tăng cường hợp tác giữa hai bên.
Nội dung chính được thảo luận là sự hợp tác giữa lực lượng thực thi pháp luật của 194 quốc gia thành viên trong đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia và xu hướng dịch chuyển nội vùng của tội phạm khủng bố từ Boko Haram tại Tây Phi hoặc Al-Shabaab ở Đông Phi, liên kết hai tổ chức Al Qaeda và ISIS ở Maghreb.
Tổng Thư ký INTERPOL Jurgen Stock cho biết, không một cộng đồng, khu vực hoặc quốc gia nào có thể tránh khỏi ảnh hưởng của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và khủng bố. Tầm ảnh hưởng của chúng mang phạm vi toàn cầu và mức độ quy tụ của chúng thể hiện một mối đe dọa đang lớn dần vượt ra khỏi châu Phi.
Với việc thỏa thuận hợp tác với Afripol được Đại hội đồng INTERPOL thông qua, Tổng thư ký INTERPOL nhấn mạnh việc hợp tác Cảnh sát khu vực và quốc tế là thành phần cần thiết trong cấu trúc an ninh toàn cầu trong tương lai. INTERPOL hy vọng không ngừng phát triển các năng lực, chiến lược và quan hệ hợp tác phù hợp với các ưu tiên của khu vực và đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của các nước thành viên…