Hỏi đáp trực tuyến

Liên quan đến biện pháp giảm ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông

Người gửi: Cử tri các tỉnh Bình Định, Thanh Hóa, Tiền Giang, Nghệ An

Trong thời gian qua Chính phủ, các ngành, các cấp đã có nhiều biện pháp nhằm giảm ùn tắc và kiềm chế tai nạn giao thông, song tình trạng trên vẫn diễn ra theo chiều hướng gia tăng, nhất là vào dịp nghỉ lễ, tết. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật và kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, nhất là tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 20/5/2010).

Ngày hỏi: 28/11/2017 Lượt xem: 5760

Câu trả lời

     Trước tình hình trật tự, an toàn giao thông diễn biến phức tạp, Đảng và Nhà nước đã tập trung chỉ đạo, đề ra nhiều chủ trương, chính sách và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, cụ thể: Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; Quốc hội thông qua Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt Việt Nam, Luật Đường thuỷ nội địa…; Chính phủ ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP, 32/NQ-CP về các giải pháp nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Định kỳ hàng năm hoặc 6 tháng (khi tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp), Chính phủ đều chỉ đạo Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Hội nghị An toàn giao thông toàn quốc với thành phần là các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân địa phương, Giám đốc Sở giao thông, Giám đốc Công an các địa phương và các cơ quan thông tin đại chúng... để đánh giá về tình hình, kết quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chỉ đạo phương hướng, nhiệm vụ công tác tiếp theo. Các Bộ, ngành và địa phương thường xuyên có các kế hoạch, điện chỉ đạo với nhiều biện pháp phù hợp để giải quyết, trong đó đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Do vậy, tình hình trật tự, an toàn giao thông từng bước được cải thiện, tai nạn giao thông giảm dần qua các năm, cụ thể:
                        Năm                    Số vụ TNGT                 Số người chết               Số người bị thương
                        2006                       14.318                                12.190                             10.930
                        2007                        14.218                               12.857                             10.631
                        2008                        12.163                               11.318                              7.855
                        2009                        11.798                               11.091                              7.654
                      6T/2010                        6.559                               5.610                                4.885
      Về triển khai thực hiện Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ: Các Bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là Bộ Công an, đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện, ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức quán triệt, thực hiện. Qua 2 tháng Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2010 so với 2 tháng liền kề trước đó, số vụ xử lý vi phạm tăng 141.965 trường hợp, tiền phạt tăng 53 tỷ; so với 2 tháng cùng kỳ năm 2009 số vụ xử lý vi phạm phạt tăng 197.233 trường hợp, tiền phạt tăng 55 tỷ. Qua đó, ý thức của người tham gia giao thông bước đầu có tích cực hơn, tình hình trật tự, an toàn giao thông có chuyển biến rõ nét; công tác tuyên truyền, phổ biến được chú trọng; hành vi vi phạm được quy định xử lý phạt nặng hơn, nhất là một số hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Đây là biện pháp tích cực trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Người trả lời: Bộ Công an