1. Các quy định chung về xử lý vi phạm hành chính đối với người dưới 16 tuổi
- Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020):
Tại điểm a khoản 1 Điều 5 quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý”.
Tại Điều 22 quy định: “Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện”.
Tại khoản 3 Điều 134 quy định: “Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền”.
Ngoài ra, tại Điều 138, Điều 139, Điều 140 và Điều 140a cũng quy định về các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người dưới 16 tuổi gồm: Nhắc nhở, quản lý tại gia đình và giáo dục dựa vào cộng đồng.
- Tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Trước khi quyết định xử phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt phải xem xét các điều kiện áp dụng biện pháp nhắc nhở quy định tại Điều 139 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 26 của Nghị định này. Chỉ ra quyết định xử phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên khi không đủ các điều kiện áp dụng biện pháp nhắc nhở”.
2. Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với người dưới 16 tuổi tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ- CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ):
Tại khoản 1 Điều 21 quy định: “Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô”.
Bên cạnh đó, tại điểm đ khoản 5 và điểm h khoản 8 Điều 30 quy định: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông.
3. Quy định về xử phạt đối với người dưới 16 tuổi chống người thi hành công vụ:
- Căn cứ quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, có thể bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020): “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự”.
- Đối với trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi vi phạm hành chính cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ được quy định tại Điều 21 Nghị định số 144/2021/NĐ- CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình thì không bị phạt tiền nhưng bị phạt cảnh cáo theo quy định tại khoản 3 Điều 134 và Điều 22 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) nêu trên.
4. Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm quy định của pháp luật liên quan đến người chưa thành niên theo nguyên tắc việc xử lý vi phạm hành chính phải đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên và chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội; tăng cường các biện pháp tuyên truyền pháp luật, giáo dục tại xã, phường, thị trấn phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi để nâng cao nhận thức. Bên cạnh đó, Bộ Công an chỉ đạo Công an cơ sở phối hợp với nhà trường, gia đình trong công tác quản lý, giáo dục, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đối với người chưa thành niên.