Hỏi đáp trực tuyến

Những trường hợp nào; đối tượng nào được sử dụng pháo hoa và pháo hoa nổ?

Người gửi: Nguyễn Minh Nguyên

Hiện nay, nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ về thế nào là pháo hoa và pháo hoa nổ, do đó vi phạm về mua bán và sử dụng pháo trái phép ngày càng gia tăng (đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán). Bộ Công an cho tôi hỏi, theo quy định hiện hành, pháo hoa là gì, pháo hoa nổ là gì? Những trường hợp nào; đối tượng nào được sử dụng pháo hoa và pháo hoa nổ?

Ngày hỏi: 21/12/2022 Lượt xem: 5487

Câu trả lời

- Theo Điều 3 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo quy định: pháo bao gồm pháo nổ, pháo hoa. 

+ Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

+ Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi cho tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ. Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90mm hoặc tầm bắn trên 120m.

- Các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ quy định tại Điều 11, sử dụng pháo hoa quy định tại Điều 17 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Người trả lời: Bộ Công an