Hỏi đáp trực tuyến

Quy định của pháp luật và khuyến cáo về tác hại của thuốc lá điện tử

Người gửi: Mai Hoa

Bộ Công an cho tôi hỏi, con tôi năm nay được 15 tuổi, một cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử vẫn bán thuốc lá điện tử cho con tôi dù chưa đủ tuổi để sử dụng thì có vi phạm pháp luật hay không? Con tôi thường xuyên sử dụng thuốc lá điện tử, tôi lo lắng có tẩm chất gây nghiện nên cháu không thể bỏ được dù tôi đã khuyên ngăn, Bộ Công an có khuyến cáo thế nào về tác hại của thuốc lá điện tử hay không?

Ngày hỏi: 16/05/2024 Lượt xem: 5439

Câu trả lời

1. Quy định của pháp luật và khuyến cáo về tác hại của thuốc lá điện tử

Thuốc lá điện tử (TLĐT) không đáp ứng quy định về khái niệm thuốc lá và nguyên liệu của thuốc lá theo quy định của pháp luật hiện hành, không thuộc điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Hiện, TLĐT không thuộc danh mục mặt hàng cấm sản xuất, kinh doanh hay sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Pháp luật cũng chưa quy định độ tuổi được mua bán, sử dụng TLĐT.

 

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn trong và ngoài nước, tất cả các loại thuốc lá đều độc hại, bao gồm cả TLĐT. Không có bằng chứng nào chứng minh TLĐT ít gây hại hơn thuốc lá thông thường. TLĐT thường có nicotine gây nghiện mạnh cho người sử dụng và việc hít các hương liệu trong dung dịch TLĐT gây ra các tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thanh thiếu niên. Các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện (theo một số nghiên cứu, nguy cơ sử dụng ma túy gấp 3,5 lần so với không hút TLĐT). Thế giới và Việt Nam đều đã ghi nhận ma túy được pha trộn vào trong tinh dầu TLĐT (chủ yếu là cần sa tổng hợp) và các trường hợp ngộ độc do sử dụng TLĐT có chứa chất ma túy.

 

Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử có pha trộn, phun tẩm ma túy (cần sa tổng hợp) đang diễn biến phức tạp, nhất là trên không gian mạng. Đối tượng sử dụng chủ yếu là giới trẻ. Số vụ, số đối tượng, tang vật bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ tăng mạnh về số lượng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

 

Các đối tượng thường xuyên tạo ra các sản phẩm TLĐT có chứa chất ma túy với nhiều mẫu mã, tên gọi, chất ma túy khác nhau, đi liền với các quảng cáo gây hiểu lầm (có tác dụng thần kỳ, tạo khoái cảm, tăng lực, không có chất cấm, không có tác hại...). Sử dụng các chất ma túy mới, chưa nằm trong Danh mục để tạo các sản phẩm TLĐT có chứa chất ma túy nhằm trốn tránh sự xử lý của pháp luật.

 

2. Định hướng chính sách quản lý Nhà nước về thuốc lá điện tử

Do tính độc hại của TLĐT, ngày 13/6/2019, Bộ Công thương có Công văn số 534/XNK-TMQT gửi Tổng cục Hải quan về việc "mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu loại không cháy, sử dụng cho tẩu IQOS và tương tự chưa được nhập vào Việt Nam".

 

Theo thống kê chính thức của Tổ chức Y tế thế giới, có 34 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn (sản xuất, nhập khẩu, mua bán) các sản phẩm TLĐT. Riêng khu vực Asean có 05 nước: Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Brunei cấm hoàn toàn.

 

Ngoài ra, một số nước không cấm hoàn toàn mà cấm theo khu vực hoặc theo sản phẩm. Trung Quốc cấm hoàn toàn các sản phẩm có hương liệu (mà TLĐT thì hầu hết có hương liệu).

 

Ở nước ta, hiện các cơ quan chuyên môn của Chính phủ và Quốc hội đang tích cực xây dựng và đề xuất các cơ chế quản lý chặt chẽ đối với thuốc lá mới (trong đó có TLĐT) trong các kỳ họp Quốc hội tới.

Người trả lời: Bộ Công an