Hỏi đáp trực tuyến

Về đề nghị có biện pháp giải quyết hiện tượng "cò"

Người gửi: Cử tri tỉnh An Giang

Đề nghị có biện pháp giải quyết hiện tượng “cò” đã gây mất lòng tin của người dân về sự công bằng, chẳng hạn “cò” trong các bệnh viện, đăng ký xe, làm các thủ tục hành chính khác.

Ngày hỏi: 28/11/2017 Lượt xem: 2451

Câu trả lời

Hoạt động “cò” thường được ám chỉ những hoạt động trung gian, môi giới nhằm thu lợi bất chính trong quá trình thực hiện một số công việc, dịch vụ liên quan đến người dân. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí trở thành tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của tổ chức và công dân, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan công quyền các cấp. Hiện nay, hoạt động "cò" đã và đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực, dưới nhiều hình thức, thủ đoạn, nhất là "dịch vụ nhanh" trong khám chữa bệnh, đăng ký phương tiện giao thông...

Tình trạng trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là: Nhận thức của một bộ phận nhân dân về pháp luật còn hạn chế, thường có tâm lý muốn giải quyết nhanh công việc; trong khi đó việc giải quyết của các cơ quan công quyền các cấp chưa đáp ứng ngay được nguyện vọng của nhân dân; việc hướng dẫn, công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình giải quyết công việc của một số cơ quan, đơn vị chưa được kiểm tra, phát hiện, khắc phục kịp thời...

Để đấu tranh, ngăn chặn, xóa bỏ tình trạng “cò” trong xã hội, Bộ Công an đang tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện một số giải pháp sau:

- Phối hợp các ban, bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật; rà soát loại bỏ tất cả các thủ tục hành chính không cần thiết; từng bước xã hội hóa một số dịch vụ công, không để đối tượng xấu lợi dụng làm "dịch vụ", hoạt động vi phạm pháp luật.

- Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là thủ tục, quy trình tiếp nhận, giải quyết công việc của các cơ quan công quyền; kịp thời thông tin về phương thức, thủ đoạn mới, vận động nhân dân không nhẹ dạ tin theo lời dụ dỗ, lừa phỉnh của các đối tượng xấu để mọi người dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tự đề kháng.

- Tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ di biến động của các đối tượng trên địa bàn, nhất là đối tượng có biểu hiện nghi vấn hành nghề "môi giới" nơi tiếp nhận, giải quyết công việc của các cơ quan công quyền. Thường xuyên phối hợp với các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng tự quản cơ sở để rà soát, thu thập thông tin, tài liệu về các đối tượng "môi giới" để răn đe, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

- Đề xuất, kiến nghị các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo rà soát, xây dựng, hoàn thiện và công khai các quy định, quy trình công tác tại trụ sở tiếp dân; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết các yêu cầu của tổ chức, công dân; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi tiêu cực trong giải quyết các thủ tục hành chính, dịch vụ công.
 

Người trả lời: Bộ Công an