Hỏi đáp trực tuyến

Về đề nghị xử lý mạnh tay với tội phạm về ma túy

Người gửi: Cử tri tỉnh Long An

Hiện nay, các trường hợp “ngáo đá” đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân khi đã xảy ra các vụ án con giết mẹ, cháu giết bà… do “ngáo đá”. Người dân rất lo lắng khi tình trạng này ngày càng gia tăng và đề nghị Chính phủ có biện pháp chỉ đạo các lực lượng chức năng “mạnh tay” xử lý tình trạng này. Đồng thời, cử tri đề nghị xử lý “mạnh tay” với tội phạm buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy, cần nhìn nhận người sử dụng ma túy không phải là người bệnh mà là người phạm tội, nhằm góp phần hạn chế tình trạng sử dụng chất ma túy.

Ngày hỏi: 26/05/2020 Lượt xem: 6148

Câu trả lời

1. Trên thế giới và ở nước ta đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều dạng mới của ma túy, số người nghiện tiếp tục gia tăng với trên 230.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, đa số họ đang ở ngoài xã hội gây lo lắng trong nhân dân và cử tri. Trong khi đó, việc xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (trong đó có các trường hợp “ngáo đá”) chưa đủ sức răn đe (Bộ luật Hình sự năm 2015 không còn tội danh sử dụng trái phép chất ma túy); việc lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc còn nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt trình tự, thủ tục thực hiện. Đây là một trong những bất cập và là nguyên nhân làm cho tình trạng nghiện ma túy, sử dụng trái phép ma túy tổng hợp dẫn đến “ngáo đá” diễn biến phức tạp, xảy ra các vụ án giết người, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật… do đối tượng “ngáo đá” gây ra.


Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ Công an đang tham mưu với Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự án sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy, phối hợp sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính và sẽ nghiên cứu, bổ sung các quy định liên quan đến xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo hướng nghiêm khắc hơn; đơn giản quy trình, thủ tục lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn tại các cơ sở cai nghiện, cơ sở chữa bệnh và tại cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế tình trạng người sử dụng ma túy gây hệ lụy cho xã hội. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, thông báo rộng rãi các hình thức, biểu hiện “ngáo đá” để người dân cảnh giác phòng tránh, phát hiện và cung cấp thông tin kịp thời cho các lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý.

2. Có thể khẳng định, trong tất cả các loại tội phạm, tội phạm về ma túy phải chịu các hình phạt nghiêm khắc nhất. Tuy nhiên, mức xử phạt nặng hay nhẹ tùy thuộc vào từng tội danh, hành vi, tính chất, mức độ vi phạm pháp luật của người vi phạm được quy định theo khung hình phạt trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (tại Chương XX, gồm 13 điều từ Điều 247 đến Điều 259, tất cả đều được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm về ma túy hiện nay). Trong đó, tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy có hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình (9/13 tội danh).

Thực tế trong những năm qua, lực lượng Công an đã tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh với tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy, nhất là mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, ngăn chặn ma túy thẩm lậu từ bên ngoài vào nước ta, đồng thời tăng cường triệt xóa các đường dây, tụ điểm, đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy trong nội địa, góp phần ngăn chặn, làm giảm “nguồn cung” ma túy vào trong nước, bắt giữ, điều tra, đề nghị truy tố hàng chục nghìn vụ án, đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép ma túy. Các cơ quan tư pháp đã áp dụng hình phạt nghiêm minh đối với tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy, số bị cáo phạm tội bị kết án tử hình, chung thân nhiều nhất trong các loại tội phạm, thể hiện sự nghiêm trị của pháp luật đối với loại tội phạm nguy hiểm này.

 

Người trả lời: Bộ Công an