- Về đề nghị tăng biên chế cho các phường trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự.
Công an cơ sở, nhất là Cảnh sát khu vực là lực lượng gần dân, sát dân nhất, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở. Tăng cường lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở là chủ trương nhất quán của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và được thực hiện thường xuyên trong nhiều năm qua.
Cụ thể hóa chủ trương đó, Bộ Công an đã ban hành các văn bản hướng dẫn về quản lý, bố trí, sử dụng biên chế, đảm bảo biên chế của Công an cấp huyện, Công an phường đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Khi phân bổ biên chế được Thủ tướng Chính phủ duyệt hằng năm, Bộ Công an đều chỉ đạo Giám đốc Công an các địa phương ưu tiên tăng cường biên chế cho Công an cấp huyện, Công an cấp phường (từ 31/12/2011 đến 31/5/2013, biên chế Công an phường, thị trấn đã tăng 2.333 người). Thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Công an giai đoạn 2011 – 2020, trong thời gian tới, biên chế của Công an cấp phường, trong đó có Cảnh sát khu vực sẽ tiếp tục được tăng cường về số lượng, đảm bảo về chất lượng.
- Về đề nghị tăng biên chế lực lượng Công an xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự.
Khoản 2, Điều 3 Nghị định số 73/2009/NĐ-CP, ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã đã quy định: “Mỗi xã được bố trí 01 Phó Trưởng Công an xã; đối với xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, xã loại 1 và xã loại 2 được bố trí không quá 02 Phó Trưởng Công an xã. Mỗi thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc và đơn vị dân cư tương đương được bố trí 01 Công an viên; đối với thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc và đơn vị dân cư tương đương thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, xã loại 1, xã loại 2 được bố trí không quá 02 Công an viên. Tại trụ sở hoặc nơi làm việc của Công an xã được bố trí không quá 03 Công an viên làm nhiệm vụ thường trực 24/24 giờ hằng ngày”.
Ngày 08/4/2010, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 12/TT-BCA quy định cụ thể thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã và Nghị định số 73/2009/NĐ-CP, ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã. Theo đó, tại khoản 2, Điều 13 quy định: “Căn cứ vào quy định của Nghị định số 73/2009/NĐ-CP, ngày 07/9/2009 và Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, Giám đốc Công an cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất Ủy ban nhân dân cùng cấp trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định Phó Trưởng Công an xã và Công an viên thuộc chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và quyết định cụ thể số lượng Phó Trưởng Công an xã, Công an viên thường trực, Công an viên của từng xã, từng thôn, bản”. Như vậy, số lượng Phó Trưởng Công an xã và Công an viên do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Để tăng cường lực lượng Công an xã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới, Bộ Công an đã ban hành Thông t¬ư số 15/2010/TT-BCA, ngày 24/5/2010 quy định về việc điều động sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm các chức danh Công an xã ở các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự và thực tế hiện nay Công an 21 tỉnh, thành phố đã bố trí 582 sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm các chức danh Công an xã ở 398 xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự.
Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn về biên chế, nên việc bố trí lực lượng Công an chính quy tăng cường cho Công an xã còn rất hạn chế. Tiếp thu ý kiến của cử tri, căn cứ vào biên chế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục điều động sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm các chức danh Công an xã ở các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.