Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều lệnh nội vụ, điều lệnh đội ngũ, nghi lễ Công an nhân dân

20/08/2024
Lượt xem: 1057
Bộ Công an đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 34/2019/TT-BCA ngày 18/9/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về điều lệnh nội vụ, Thông tư số 35/2019/TT-BCA ngày 18/9/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về điều lệnh đội ngũ và Thông tư số 36/2019/TT-BCA ngày 18/9/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về nghi lễ Công an nhân dân (CAND) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Dự thảo Thông tư này đã sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 34/2019/TT-BCA ngày 18/9/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định điều lệnh nội vụ CAND gồm: Chương trình, kế hoạch công tác; Giao ban; Trực chỉ huy, trực ban, thường trực chiến đấu; Chế độ bảo mật; Chế độ nghỉ; Thu hồi vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện nghiệp vụ và các giấy tờ công tác; Trang phục và thời gian mặc trang phục CAND; Mặc lễ phục CAND; Ứng xử khi giao tiếp qua các phương tiện thông tin và những điều cấm đối với cán bộ, chiến sĩ CAND.

Theo đó, bổ sung khoản 1 Điều 17 quy định về trực chỉ huy, trực ban, thường trực chiến đấu, như sau: “1. Các đơn vị Công an nhân dân phải tổ chức nghiêm túc chế độ trực chỉ huy, trực ban, bảo đảm quân số thường trực chiến đấu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an. Có danh sách hoặc lịch trực được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cơ cấu ca trực tại Công an cấp huyện phải có chỉ huy các đội trực thuộc”.

Bổ sung nội dung “Bảo đảm chế độ nghỉ cho cán bộ, chiến sĩ nam khi có vợ sinh con” vào khoản 1, Điều 20 quy định về chế độ nghỉ cho phù hợp Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định và cần được quy định rõ để thống nhất thực hiện, bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của cán bộ, chiến sĩ.

Về ứng xử khi giao tiếp qua các phương tiện thông tin, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung như sau: “Khi giao tiếp qua các phương tiện thông tin, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải giới thiệu tên và đơn vị của mình; ngôn ngữ giao tiếp phải đúng mực, lịch sự, rõ ràng, mạch lạc; không nói tục, không dùng từ “lóng”. Nội dung trao đổi ngắn gọn, tập trung vào công việc; không tiện trả lời thì nói lời xin lỗi, không đột ngột ngắt cuộc trao đổi; thực hiện đúng quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước trong quá trình trao đổi thông tin, kết thúc cuộc trao đổi bằng lời chào hoặc cảm ơn. Cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân và quy tắc ứng xử trên internet, mạng xã hội. Không đăng tải hình ảnh trang phục, số hiệu Công an nhân dân, các loại giấy tờ do Công an cấp lên mạng Internet, mạng xã hội. Không định vị địa chỉ, khu vực phòng làm việc của đơn vị lên bản đồ trực tuyến. Trường hợp phục vụ công tác phải được sự đồng ý của lãnh đạo đơn vị".

Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều lệnh nội vụ, điều lệnh đội ngũ, nghi lễ CAND.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều lệnh nội vụ, điều lệnh đội ngũ, nghi lễ CAND.

 

Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung Điều 43 quy định những điều cấm đối với cán bộ, chiến sĩ CAND, như sau:

 “1. Đeo kính mầu đen khi trực tiếp giải quyết công việc với người khác; để tay vào túi quần hoặc túi áo khi làm nhiệm vụ; trừ trường hợp đeo kính màu đen để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và phải được Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương đồng ý.

 2. Nhuộm tóc khác màu đen; móng tay, móng chân để dài, sơn màu; đính đá, phủ nhũ. Cán bộ, chiến sĩ nam để tóc dài trùm tai, trùm gáy hay cắt tóc quá ngắn (trừ trường hợp do đầu bị hói, bị bệnh lý theo chỉ định của bác sĩ hoặc do yêu cầu nghiệp vụ phải cắt tóc ngắn); để râu, ria ở cằm, ở cổ và trên mặt; đục lỗ, xỏ khuyên. Trừ cán bộ nữ được đục lỗ, xỏ khuyên tại vị trí dái tai.

3. Mặc trang phục Công an nhân dân ăn, uống ở hàng quán vỉa hè (trừ trường hợp do yêu cầu công tác cần xã hội hoá); hút thuốc khi làm nhiệm vụ, trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường và ở những nơi có quy định cấm.

4. Đánh bạc dưới mọi hình thức; mê tín, bói toán; uống rượu, bia và các chất có cồn trước, trong giờ làm việc, cả vào bữa ăn giữa ca trong ngày làm việc, ngày trực; uống rượu, bia say trong mọi trường hợp, mọi lúc, mọi nơi; sử dụng chất gây nghiện trái phép; điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; bỏ vị trí công tác (vắng trực không lý do).

5. Lập bàn thờ, để bát hương, thắp hương trong hội trường, phòng họp, phòng khách, phòng làm việc, phòng ở, nhà kho, nhà ăn tập thể, nơi để hồ sơ tài liệu thuộc phạm vi trụ sở đơn vị Công an (trừ khi tổ chức lễ tang, lập bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, thắp hương trong ba ngày tết Nguyên đán, nhưng phải đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ)”.

Tại Điều 3 dự thảo Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung quy định về Chào cờ và hát quốc ca; Trình tự tiến hành buổi Lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sĩ, các vị lãnh tụ, danh nhân văn hóa tiêu biểu của dân tộc; Đọc lời tưởng niệm; Tưởng niệm; Trang trí, trang phục và băng tang; việc Tổ chức Lễ tang; Lễ viếng; Lễ Truy điệu; Lễ đưa tang quy định tại Thông tư số 36/2019/TT-BCA ngày 18/9/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định nghi lễ CAND.

Trong đó, đề xuất bỏ nội dung “cán bộ, chiến sĩ đứng hàng trên cùng thực hiện động tác chào cờ” và thay thế bằng nội dung “tất cả cán bộ, chiến sĩ thực hiện động tác chào cờ” để đảm bảo tính trang nghiêm khi thực hiện nghi thức chào cờ, đảm bảo cán bộ, chiến sĩ đều được thực hiện nghĩa vụ chào cờ Tổ quốc, như sau: “Khi hô khẩu lệnh chào cờ, chủ lễ, trực ban buổi lễ và tất cả cán bộ, chiến sĩ thực hiện động tác chào cờ; toàn thể cán bộ, chiến sĩ hát Quốc ca một lần lời 1; hát Quốc ca xong, trực ban buổi lễ hô “thôi”, cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện động tác chào về tư thế đứng nghiêm”.

Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.

Minh Ngân
Tìm kiếm