Góp ý về xây dựng Bộ luật hình sự (sửa đổi): Đề xuất việc không bỏ tội hoạt động phỉ trong Bộ luật hình sự (sửa đổi)

26/10/2015
Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an giới thiệu bài viết đóng góp ý kiến của Trung úy Nguyễn Xuân Mai, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an.

Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) dự kiến loại bỏ một số tội phạm quy định trong Bộ luật hình sự hiện hành (Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)). Đó là tội hoạt động phỉ; tội tảo hôn; tội kinh doanh trái phép; tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế; tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp; tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; tội không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.

Quy định một hành vi nguy hiểm cho xã hội là tội phạm hoặc loại bỏ một tội phạm trong Bộ luật hình sự là một nhu cầu khách quan trong quá trình lập pháp hình sự. Quá trình đó được thực hiện trên cơ sở các căn cứ có tính nguyên tắc của việc xác định nhu cầu khách quan của xã hội về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ phổ biến tương đối của hành vi, tính phù hợp (tương thích) của quy định với quan niệm đạo đức, chuẩn mực xã hội và hệ thống pháp luật trong nước, điều ước quốc tế mà quốc gia là thành viên và tính hiệu quả của quy định. Theo đó, việc quy định tội phạm mới hoặc loại bỏ một số tội phạm nào đó cần được cân nhắc thật kỹ lưỡng trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Chúng tôi nhất trí với việc loại bỏ một số tội phạm theo dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) nhưng thấy rằng việc loại bỏ tội phạm hoạt động phỉ quy định tại Điều 83 Bộ luật hình sự hiện hành cần phải được tính toán kỹ lưỡng vì những lý do sau đây:

Tội hoạt động phỉ được quy định ổn định trong Bộ luật hình sự năm 1985 qua các lần sửa đổi, bổ sung và được quy định tại Điều 83 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Quy định về tội hoạt động phỉ đã phát huy tác dụng tích cực trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thời gian qua, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Quy định về tội phạm này được các cơ quan chức năng áp dụng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Gần đây, vào năm 2013, các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự của tỉnh Điện Biên đã phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử và kết án gần 40 đối tượng về tội hoạt động phỉ trong vụ án Giàng A Tỉnh cùng đồng phạm phạm tội hoạt động phỉ xảy ra tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Qua đó tình hình an ninh, trật tự ở địa phương được giữ vững, việc xử lý vụ án bảo đảm được các yêu cầu đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

- Do đặc điểm địa hình của nước ta phức tạp, có nhiều vùng hiểm yếu như hải đảo, rừng núi… nên nguy cơ xảy ra hoạt động phỉ rất cao, nếu Bộ luật hình sự không có điều luật riêng quy định về tội phạm này sẽ ảnh hưởng tới công tác bảo vệ an ninh quốc gia của đất nước.

- Tuy tội hoạt động phỉ có một số dấu hiệu khách quan của cấu thành tội phạm gần giống với một số tội phạm khác như tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân hoặc tội bạo loạn… nhưng với đặc trưng của tội phạm này là hoạt động vũ trang và thực hiện ở những địa bàn hiểm yếu như vùng rừng núi, vùng biển, bưng biền, đầm lầy hoặc vùng hiểm yếu khác nên tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm này có tính đặc thù so với các tội phạm khác.

Từ những nội dung nêu trên, chúng tôi đề nghị giữ nguyên nội dung của Điều 83 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội hoạt động phỉ./.
                            

Tìm kiếm