Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản

11/04/2024
Lượt xem: 1404
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2024.

Theo đó, Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện trong lĩnh vực thủy sản là 1 tỷ đồng. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản bị phạt tới 2 tỷ đồng.
Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện trong lĩnh vực thủy sản là 1 tỷ đồng.

 

Cụ thể, Nghị định quy định hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản bị phạt tiền từ 5 - 200 triệu đồng tùy thuộc vào các hành vi vi phạm.

Đối với một trong các hành vi thăm dò, khai thác tài nguyên, xây dựng, phá bỏ công trình dưới mặt nước, lòng đất dưới nước làm suy giảm hoặc mất đi nguồn lợi thủy sản hoặc gây tổn hại đến môi trường sống, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, đường di cư của loài thủy sản; không tạo đường di cư hoặc dành hành lang di chuyển cho loài thủy sản khi xây dựng mới, thay đổi hoặc phá bỏ công trình hoặc có hoạt động liên quan đến đường di cư của loài thủy sản bị phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng.

Khai thác thủy sản trong khu vực cấm, Nghị định quy định phạt tiền từ 70 - 90 triệu đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên làm nghề lưới kéo, nghề và ngư cụ kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu mực) khai thác thủy sản trong khu vực cấm khai thác thuỷ sản hoặc khu vực cấm khai thác thuỷ sản có thời hạn mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với vi phạm quy định về giống thủy sản, Nghị định quy định phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam hoặc chưa được công nhận hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, lực lượng Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt lên đến 1 tỷ đồng. Đồng thời, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c và đ khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

Minh Ngân
Tìm kiếm