Thông tư này quy định những việc cần làm trước khi khám nghiệm hiện trường; nội dung, trình tự khám nghiệm hiện trường; thu mẫu so sánh; dựng lại hiện trường; biên bản, tài liệu khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự của lực lượng Công an nhân dân.
Theo đó, “Nội dung, trình tự khám nghiệm hiện trường” trong tố tụng hình sự của lực lượng Công an nhân dân được quy định tại Chương III với nội dung đáng chú ý sau:
Điều 5 quy định về “Quan sát hiện trường”
Cụ thể, lực lượng khám nghiệm cần lựa chọn vị trí phù hợp để quan sát bao quát được toàn bộ khu vực hiện trường; tiến hành quan sát từ xa đến gần, từ tổng thể đến bộ phận, từ chung đến riêng, có trọng tâm, trọng điểm. Quá trình quan sát có thể sử dụng các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ. Nội dung quan sát bao gồm: Vị trí, địa hình, địa vật, tình trạng, kết cấu, chủng loại vật liệu của từng phần hiện trường; những thiệt hại và hậu quả của vụ việc; phát hiện dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, tử thi (nếu có) nhìn rõ được có liên quan đến vụ việc.
|
Lực lượng Kỹ thuật hình sự đang khám nghiệm hiện trường. |
Tiếp đó, cần xác định điểm mốc (vật chuẩn) để định vị hiện trường chung, định vị vị trí nạn nhân (nếu có), phương tiện, dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật ở hiện trường. Trường hợp tại hiện trường không có điểm mốc cố định phải xác định bằng tọa độ địa lý.
Đặt số thứ tự cho dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, tử thi (nếu có) đã thấy rõ ở hiện trường. Số thứ tự được đặt theo số tự nhiên từ số nhỏ đến số lớn theo thứ tự phát hiện.
Tiến hành các hoạt động ghi nhận chung về hiện trường, dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có) tại hiện trường bằng các phương pháp: Chụp ảnh; ghi hình hiện trường (nếu cần thiết); vẽ sơ đồ hiện trường; mô tả vào biên bản khám nghiệm hiện trường.
Quyết định phương pháp, chiến thuật, phương tiện, thiết bị, hóa chất sử dụng trong giai đoạn khám nghiệm chi tiết hiện trường.
“Khám nghiệm chi tiết hiện trường” được quy định tại Điều 6
Theo đó, người chủ trì khám nghiệm hiện trường phân công lực lượng khám nghiệm hiện trường sử dụng các phương tiện kỹ thuật chuyên dùng, áp dụng phương pháp, chiến thuật khám nghiệm phù hợp để thực hiện các nội dung: Phát hiện, làm rõ dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có); Ghi nhận, mô tả dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có); Thu lượm, bảo quản dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có); Thu mẫu so sánh (nếu có); Mô tả hiện trường vào biên bản khám nghiệm hiện trường; Vẽ sơ đồ hiện trường; Chụp ảnh; ghi hình hiện trường (nếu cần thiết).
Điều 7 quy định về “Kết thúc khám nghiệm hiện trường”
Theo đó, lực lượng khám nghiệm cần tiến hành đánh giá dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có) đã phát hiện, thu thập được để khai thác các thông tin phục vụ công tác điều tra:
Đánh giá từng dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có) và mối liên hệ giữa các dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và với tử thi (nếu có), với các đồ vật khác tại hiện trường. Đưa ra nhận định về nguyên nhân, cơ chế hình thành, thời gian xuất hiện và tồn tại của dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử; đặc điểm của vật gây vết; Đánh giá giá trị chứng minh của từng dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử; xác định những dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử cần trưng cầu giám định; Đánh giá số lượng, đặc điểm về đối tượng nghi vấn thực hiện hành vi phạm tội; nạn nhân hoặc những người liên quan khác (nếu có) đã có mặt tại hiện trường; Đánh giá hậu quả tác hại do vụ việc gây ra.
Về “Đánh giá kết quả khám nghiệm hiện trường”, lực lượng khám nghiệm cần xác định những kết quả đã đạt được; xác định những vấn đề còn thiếu, sót cần bổ sung, những nội dung cần xem xét lại tại hiện trường.
Ngoài ra, Điều này cũng quy định về: Đóng gói, niêm phong dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử đã phát hiện, thu thập được và mẫu so sánh (nếu có) theo đúng quy định. Hoàn thành biên bản khám nghiệm hiện trường; thống kê số lượng, các loại sơ đồ hiện trường đã vẽ; số lượng, các loại ảnh hiện trường đã chụp vào biên bản khám nghiệm hiện trường.
Đồng thời, Điều này cũng quy định rõ: Người chủ trì khám nghiệm tuyên bố kết thúc khám nghiệm, giải phóng hiện trường hoặc tuyên bố kết thúc buổi khám nghiệm và tiếp tục công tác bảo vệ hiện trường để khám nghiệm lại hoặc khám nghiệm lần sau (nếu cần thiết).