Trong bài phát biểu mở đầu của mình, Tổng thư ký INTERPOL Jürgen Stock đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về các cuộc khủng hoảng xảy ra cùng lúc - từ bất ổn chính trị đến biến đổi khí hậu và gián đoạn chuỗi cung ứng - cũng như cách tội phạm lợi dụng "cuộc khủng hoảng" này. Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia luôn lập kế hoạch, nhắm mục tiêu, tấn công và ngày càng trở nên toàn cầu hơn.
|
Tổng thư ký INTERPOL. |
Tại Hội nghị, lãnh đạo Cảnh sát từ khắp lục địa châu Phi đã cùng nhau thảo luận về các vấn đề tội phạm có tổ chức, tội phạm mạng, tội phạm khủng bố, tội phạm môi trường và các mối đe dọa khác, cũng như vai trò của tổ chức INTERPOL đối với công tác phòng, chống tội phạm tại châu Phi.
Các hoạt động phối hợp gần đây của INTERPOL cho thấy quy mô của mối đe dọa do các nhóm tội phạm có tổ chức ở Châu Phi gây ra, chúng khai thác triệt để tài nguyên thiên nhiên và các cộng đồng dễ bị tổn thương của lục địa, thu về số tiền khổng lồ thông qua buôn người và đưa lậu người di cư. Trong năm qua, các hoạt động của INTERPOL với cơ quan thực thi pháp luật châu Phi đã tiến hành hơn 2.400 vụ bắt giữ, thu giữ hơn 126 triệu EUR tiền có được qua hoạt động phạm tội. Trong đó, phải kể đến hai hoạt động gần đây của INTERPOL đã tịch thu, phong tỏa hơn 3 triệu UER và hơn 200 tài khoản ngân hàng liên quan đến hoạt động phạm tội phần lớn trong các vụ lừa đảo tài chính qua mạng của nhóm Black Axe và các nhóm tội phạm có tổ chức Tây Phi khác. Bên cạnh đó, tháng 4/2022, INTERPOL đã phối hợp chặt chẽ với Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya, Somalia Tanzania và Uganda điều tra, bắt giữ 14 nghi phạm khủng bố.
|
Esperança Maria Eduardo Francisco da Costa, Phó Tổng thống Angola. |
Tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Liên minh châu Phi và các tổ chức cảnh sát trưởng khu vực; tăng cường chia sẻ thông tin trong nhiều lĩnh vực tội phạm, từ buôn bán động vật hoang dã đến chống khủng bố.
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Mạng liên lạc cảnh sát an toàn I-24/7 của INTERPOL cũng đã được mở rộng thành công tới các Văn phòng INTERPOL quốc gia tại 47 quốc gia thành viên Châu Phi. Với lượng dữ liệu mà các quốc gia trong khu vực chia sẻ thông qua hệ thống INTERPOL tăng 7% trong năm qua, việc chia sẻ thông tin nhiều hơn trong và ngoài Châu Phi được coi là điều kiện cần thiết để giải quyết hiệu quả các mối đe dọa tội phạm toàn cầu.
Châu Phi có số quốc gia thành viên INTERPOL chiếm gần 1/3 số thành viên của Tổ chức INTERPOL. Châu lục này cũng có bốn trong số sáu văn phòng khu vực của INTERPOL ở Abidjan, Harare, Nairobi và Yaoundé.
Tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất tăng cường phối hợp, cung cấp thông tin với các Văn phòng khu vực châu Phi của INTERPOL. Ngược lại, các Văn phòng khu vực đã đồng ý lập kế hoạch và tiến hành các hoạt động chung thường xuyên với các tổ chức cảnh sát trưởng khu vực châu Phi nhằm vào mục tiêu khủng bố, tội phạm mạng và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Các kế hoạch hành động chung hàng năm sẽ được phát triển dựa trên các mối đe dọa khu vực và nhu cầu của các quốc gia thành viên.