Hội thảo thực hành về tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Singapore

08/11/2023
Vừa qua, INTERPOL đã tổ chức Hội thảo thực hành về tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Tổ hợp toàn cầu INTERPOL (IGCI) ở Singapore. Tham dự Hội thảo có Đại diện Ban Tổng Thư ký INTERPOL, Tổ chức Chatham House của Vương quốc Anh và các đại biểu đến từ 08 quốc gia Đông Nam Á.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.


Tại Hội nghị, đại diện Ban Tổng thư ký INTERPOL đã giới thiệu về Ban đào tạo và xây dựng năng lực INTERPOL với các chức năng: Tổ chức các hoạt động đào tạo, bao gồm cả Học viện ảo INTERPOL cung cấp các khoá học trực tuyến cho cơ quan thực thi pháp luật toàn cầu; Nâng cao năng lực cho Cơ quan thực thi pháp luật của các quốc gia thành viên INTERPOL trong đấu tranh, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia; Tổ chức Hội thảo đào tạo Cảnh sát INTERPOL; Kết nối và điều phối hoạt động của mạng lưới Học viện toàn cầu INTERPOL.

Về phía Tổ chức Chatham House, đại diện của Tổ chức đã giới thiệu về định hướng chiến lược trong phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (SACC). Chatham House là tổ chức thường nghiên cứu và phân tích độc lập về các thách thức của toàn cầu, khu vực, quốc gia cụ thể và đưa ra những phương thức mới có thể xử lý những thách thức này một cách tốt nhất trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Theo đó, trong khuôn khổ chương trình an ninh quốc tế, các nhà nghiên cứu của Chatham House đã nghiên cứu và đưa ra định hướng chiến lược trong phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Định hướng này giúp các quốc gia xây dựng phương thức tiếp cận tội phạm sử dụng công nghệ cao của quốc gia một cách chiến lược và hiệu quả nhất. Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện Chatham House đã thu thập thông tin về các quy định pháp luật, phương thức các quốc gia Đông Nam Á ngăn ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao để từ đó tiếp tục nghiên cứu và đưa ra đề án hợp tác cũng như hỗ trợ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tại khu vực Đông Nam Á trong thời gian tới.

Tham dự Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, giải quyết vụ việc giả định về tội phạm sử dụng công nghệ cao liên quan đến chuyên án về phần mềm độc hại OCTOPUS chuyên xâm nhập và phá hủy hệ thống máy tính. Các đối tượng đã bán phần mềm độc hại OCTOPUS trên diễn đàn Dark Web. Thông qua việc giải quyết vụ việc giả định, các đại biểu đã tiến hành đánh giá về những thuận lợi, khó khăn và đưa ra các khuyến nghị để đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong khu vực một cách hiệu quả hơn.

Về cơ bản, các đại biểu nhận định rằng công tác hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á có nhiều thuận lợi như: Hội nghị ASEANAPOL và Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC) được tổ chức thường niên là cơ hội để các quốc gia Đông Nam Á có thể cùng nhau thảo luận tìm cách tháo gỡ các khó khăn và nâng cao hiệu quả hợp tác trong đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung cũng như tội phạm sử dụng công nghệ cao nói riêng. Đồng thời, trong khu vực đã có Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các quốc gia ASEAN năm 2004. Đây là một trong những công cụ pháp lý đa phương hữu hiệu trong khu vực, xác lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, lâu dài; thể hiện sự nhất trí và quyết tâm chung của các nước ASEAN về hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực.

Bên cạnh những thuận lợi, công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong khu vực vẫn còn tồn tại những khó khăn, thách thức nhất định, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao thường có quy mô toàn cầu, xuyên quốc gia. Các cuộc tấn công mạng thường không có biên giới và ảnh hưởng đến nhiều nạn nhân, thậm chí có thể ảnh hưởng đến hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Sự khác nhau trong quy định pháp luật của các quốc gia cũng gây ra không ít các khó khăn cho việc thu thập thông tin, chứng cứ trong quá trình điều tra các vụ án. Trong khi đó, năng lực thực thi pháp luật của các quốc gia Đông Nam Á chưa đồng đều dẫn đến khó khăn trong việc hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm nói chung, trong đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nói riêng. Ngoài ra, ASEANAPOL cũng chưa thành lập được Ban đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Để đấu tranh hiệu quả hơn với tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thời gian tới, đại biểu các nước nhận thấy cần tham mưu đề xuất về việc: (1) Thúc đẩy xây dựng đội phản ứng nhanh trong đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao bao gồm đại diện Ban Thư ký ASEANAPOL và các quốc gia trong khu vực; (2) Tăng cường hợp tác quốc tế giữa các quốc gia Đông Nam Á trong đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; (3) Thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, các khoá đào tạo nhằm nâng cao năng lực đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
 

Bản quyền INTERPOL Việt Nam
Tìm kiếm